4 chuyên đề giám sát rất trúng vấn đề người dân, xã hội quan tâm hiện nay. Nếu làm tốt những nội dung này sẽ tạo sự chuyển biến tiếp theo trong sự đổi mới của đất nước.
Ngày 4/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 gồm 4 chuyên đề. Theo đó, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng: Trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội thì Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1/2021, 1 nội dung xong trong tháng 2/2021. Do đó Hà Nội mong muốn được điều hoà về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì thời gian cuối năm là về đích nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Bà Hà cũng cho biết, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND TP tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, bà Hà kiến nghị, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đồng thời tăng cường giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về việc giải quyết các kiến nghị của địa phương và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực bày tỏ quan điểm MTTQ Việt Nam đồng tình rất cao với chủ trương giám sát của Quốc hội từ sớm từ xa. Là chủ trương mới tạo chủ động cho các cấp và sự phối hợp tốt giữa các cơ quan. Có nhiều đổi mới về cách làm và cần tổ chức thực hiện tốt cách làm.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng: Trong những năm qua MTTQ Việt Nam xác định phối hợp với Quốc hội, HĐND, các đoàn ĐBQH các cấp trong giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, là dịp để phản ánh ý kiến nguyện vọng của cử tri, nội dung còn vướng mắc bất cập. Vì thế 4 chuyên đề giám sát trên rất trúng vấn đề người dân, xã hội quan tâm hiện nay. Nếu làm tốt những nội dung này sẽ tạo sự chuyển biến tiếp theo trong sự đổi mới của đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Sau khi Quốc hội thông qua 4 chuyên đề giám sát, MTTQ Việt Nam đã cử cán bộ tham gia và có hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia các nội dung giám sát. Trong đó tập hợp lắng nghe tất cả các ý kiến nội dung giám sát để kịp thời phối hợp với các đoàn ĐBQH. Còn trên Trung ương tham gia trực tiếp với các đoàn giám sát để có ý kiến. Đây là cuộc giám sát rất lớn do đó làm sao để các thành viên của Mặt trận cũng có ý kiến tham gia để làm sao khi đoàn giám sát yêu cầu báo cáo thì Mặt trận có nghiên cứu, báo cáo đến 4 chuyên đề trên.
Đưa ra đề xuất, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị: Trong giám sát cần lắng nghe nhiều kênh đa chiều để có nhận xét đánh giá, ưu điểm hạn chế sát thực tế. Vì trong giám sát ưu điểm, hạn chế phải nói rõ, kể cả những sai phạm bởi đây là yếu tố quan trọng. Do đó kênh báo cáo từ các đoàn ĐBQH từ 63 tỉnh thì phải báo cáo trung thực, các đoàn ĐBQH phải chịu trách nhiệm về nội dung này. “Thông thường báo cáo của các địa phương “không dám nói khác” với báo cáo gửi lên Trung ương. Vì thường hàng năm các địa phương đều có báo cáo về tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng thường các địa phương không dám nói thẳng trong các báo cáo. Do đó lần này phải yêu cầu nói sát và phải làm sao nội dung sát thực tế và trung thực thì mới đánh giá đúng làm được đến đâu? cái chưa làm được? và kiến nghị để có tác dụng tạo sự chuyển biến tích cực. Vì vậy chúng ta cần chỉ đạo các địa phương trong báo cáo phải dám nói thẳng nói thật”-Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị.
Phó Chủ tịch Ngô Sách thực cũng cho rằng: Trên cơ sở báo cáo thông tin thì nhóm chuyên gia của các tổ giúp việc của đoàn giám sát có trách nhiệm nghiên cứu sâu những nội dung giám sát và những vấn đề cần làm rõ. Do nội dung rất rộng nhưng những nội dung cần làm rõ thì nhóm chuyên gia nghiên cứu phải có trách nhiệm nghiên cứu sâu. Qua đó rút ra 2-3 vấn đề để giúp cho việc xem xét, kết luận.
“Những vấn đề chưa làm rõ cần yêu cầu tổ chức địa phương, đơn vị phải làm rõ. Trên cơ sở đó, tổ giám sát và các đoàn giám sát đề xuất ở địa phương nào? địa chỉ nào cần phải tổ chức giám sát sâu. Khi đi địa phương tổ chức giám sát thì các tổ giúp việc cần xuống trước, chỉ đi sâu vào những nội dung cần phải làm rõ để khi đoàn xuống làm việc, những nội dung cần làm rõ đã được trao đổi thống nhất giữa đối tượng giám sát và đối tượng được giám sát.”-Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, những việc liên quan đến quy hoạch, tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là những nội dung rộng. Thực tế có những vụ việc đã có kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra, giám sát nhưng thực hiện. Vì vậy các đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ để làm rõ nguyên nhân tại sao chưa thực hiện các kết luận? để làm sao ngay trong trong lúc giám sát, các đối tượng được giám sát thực hiện được các kiến nghị đó. Còn nếu không thực hiện, không rõ nguyên nhân thì Quốc hội phải thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật. Theo đó, có thể đình chỉ những hành vi sai phạm đó, và trong những trường hợp đặc biệt phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng thì giám sát sẽ có tác dụng và tạo sự lan tỏa rất lớn”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội. Đổi mới nâng cao chất lượng giám sát là trung tâm của đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khoá XV. Do đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu lựa chọn các chuyên đề giám sát sát đúng nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Cả 4 chuyên đề giám sát đều có ý nghĩa hết sức quan trọng, rất thời sự.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đã giám sát phải có hiệu quả và hiệu lực. Muốn thế phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng các vấn đề được giám sát, có phương pháp giám sát từ tổng thể đến chi tiết, huy động tổng lực các cơ quan chức năng. “Giám sát phải có bằng chứng cụ thể, đưa ra kiến nghị đề xuất sắc sảo và phải theo dõi việc tổ chức thực hiện các giám sát này, phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Như thế mới hy vọng tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực được giám sát, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước”-Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là chuyên đề rất rộng, phạm vi giám sát từ sử dụng đất đai, tài nguyên dến biên chế tổ chức. Vấn đề này hàng năm Kiểm toán Nhà nước đều có làm và lần này giao cho Kiểm toán Nhà nước tổng kết đáng giá 5 năm và bố trí thêm chuyên đề kiểm toán năm 2022 nội dung trên.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thất thoát trong lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng rất nhiều. Năm nay Quốc hội yêu cầu phải kiểm toán nguồn lực cho chống dịch, qua đó làm rõ vấn đề dư luận quan tâm. Qua giám sát, nếu phát hiện sai phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng chứ không chỉ là nêu ý kiến. Bên cạnh đó, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh và sẽ có cách để giám sát những người đi giám sát, làm đến nơi đến chốn để phát triển đất nước chứ không có mục tiêu nào khác, việc thực hiện phải giảm thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nơi được giám sát.