Theo đông y, quả la hán vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện.
Mùa lạnh, cả người lớn và trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, họng. Khi mắc bệnh, ngoài việc phải điều trị bằng kháng sinh theo đơn của các bác sĩ thì việc sử dụng các loại thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh cũng rất tốt. Trong các loại thảo dược thì người ta thường nhắc đến quả la hán.
Theo đông y, quả la hán vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện. Dùng cho các trường hợp cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho nhiều đờm, táo bón, bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu gần đây cho thấy la hán cũng có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hóa. Đặc biệt tác dụng làm dịu các kích ứng niêm mạc họng hầu trong các trường hợp viêm thanh khí quản, viêm họng…
Xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh có quả la hán:
Nước quả la hán: la hán 1-2 quả nghiền đập vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống thường ngày 1 - 2 lần. Dùng tốt cho người bị viêm họng, mất tiếng, cảm nắng, táo bón.
Nước la hán hạnh nhân: La hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Ngày sắc 1 lần hoặc hãm uống. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.
Xirô bối mẫu la hán quả: Xuyên bối mẫu 10g, la hán 1 quả. La hán nghiền đập vụn, thêm ít đường hoặc mật lượng thích hợp, nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng tốt cho người bị lao phổi, viêm khí phế quản, viêm họng khô có sốt, ho khan ít đờm.