Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 12 năm áp dụng Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đến nay các Nghị định đã bộc lộ một số lỗ hổng, hạn chế cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Đơn cử như, Điều 4 Nghị định số 32 quy định về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong theo dõi diễn biến thực vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định. Thế nhưng, thực tế sau 12 năm thực hiện vẫn chưa ghi nhận được các số liệu về diễn biến thực vật rừng, động vật rừng trên cả nước.
Nghị định số 32 cũng quy định về khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, thực tiễn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa phê duyệt bất kỳ dự án khai thác nào do thiếu nghiên cứu khoa học, do quần thể các loài bị suy giảm nghiêm trọng hoặc do không có đánh giá khoa học phù hợp.
Tương tự, một số quy định của Nghị định số 82 cũng chưa từng thực hiện trên thực tiễn do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể như hoạt động cấp phép cho mẫu vật nhập nội từ biển; hoạt động cấp chứng chỉ mẫu vật tiền công ước; việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ…
Bên cạnh đó, Danh mục các loài có tên trong Nghị định số 32 còn chậm được đổi mới trong khi xu hướng quần thể một số loài thay đổi liên tục, một số loài gần như tuyệt chủng trong tự nhiên (tê giác, cá sấu), một số loài đã bị tuyệt chủng (trâu rừng), một số loài có khả năng trồng cấy, gây nuôi, bảo tồn.
Ngoài ra Danh mục kèm theo Nghị định 32 cũng không bao gồm các loài thuỷ sinh nguy cấp, quý, hiếm; chồng chéo với Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và chưa phù hợp với Danh mục CITES; gây khó khăn, tạo cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau giữa các cơ quan thực thi luật, cũng như giữa các địa phương với nhau.
Từ thực tế nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; gây nuôi động vật rừng thông thường và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Nghị định số 32 và Nghị định số 82.
Dự thảo gồm 4 chương, 53 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực thi Công ước CITES.