Gần đây, nhiều người cho rằng “các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ ngày càng gây bệnh nhẹ hơn” và “Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia và Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, không nên coi những giả thuyết này là điều hiển nhiên.
Bệnh đặc hữu cần một đường đi ổn định
Ngày 12/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể Omicron đang trên đà lây nhiễm cho hơn một nửa số người dân châu Âu, nhưng nó vẫn chưa được coi là một căn bệnh lưu hành giống như bệnh cúm.
Châu Âu đã chứng kiến hơn 7 triệu trường hợp mới được báo cáo trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian hai tuần, Giám đốc WHO khu vực Châu Âu Hans Kluge cho biết trong một cuộc họp báo. "Với tốc độ này, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 6-8 tuần tới", ông Kluge dẫn lời một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy, Omicron đang ảnh hưởng đến mũi và họng trên nhiều hơn là phổi và gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Nhưng WHO cũng cảnh báo, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh điều này.
Trước đó, ngày 11/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng, có thể đã đến lúc thay đổi cách theo dõi dịch Covid-19, theo đó coi đại dịch này như dịch cúm vì số ca tử vong do Covid-19 gần đây đã giảm. Điều này cũng có thể được hiểu rằng coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu thay vì là một đại dịch.
Nhưng đó là "một con đường tắt", bà Catherine Smallwood, chuyên viên cấp cao của WHO phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại châu Âu, nói và cho biết thêm rằng, bệnh dịch đặc hữu cần một đường đi ổn định và có thể dự đoán được.
Bà Catherine Smallwood khẳng định, hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa được làm rõ và virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Hy vọng kiểm soát được Covid-19
Đối với giả thuyết cho rằng Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, nhiều khu vực đang có xu hướng coi đây là “kim chỉ nam” để tiếp tục cuộc sống mà quên rằng Covid-19 vẫn đang tồn tại. Đặc hữu có nghĩa là một căn bệnh luôn hiện hữu quanh ta, chúng ta có thể dự đoán được tỷ lệ lây nhiễm và dịch bệnh không nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ông Stephen Griffin, Phó giáo sư virus học tại Đại học Leeds (Anh) cho biết: “Bệnh đậu mùa, bại liệt là bệnh đặc hữu, bệnh sốt Lassa và bệnh sốt rét là bệnh đặc hữu. Sởi và quai bị cũng là bệnh đặc hữu. Nhưng những căn bệnh này đều phụ thuộc vào tiêm chủng. Đặc hữu không có nghĩa là dịch bệnh không còn nguy hiểm”.
Khi ngày càng có nhiều người phát triển khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2, hoặc phục hồi sau mắc bệnh, virus có thể gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn. Nhưng sau đó, virus vẫn có thể phát triển trở lại. Nhưng tín hiệu tích cực đó là giả thuyết này sẽ ít có khả năng xảy ra hơn, khi phần lớn dân số thế giới được tiêm chủng, bởi càng có ít người bị mắc bệnh thì virus càng ít cơ hội phát triển. Song chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó.
“Ý tưởng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu bất cứ lúc nào có vẻ hơi đi ngược lại với thực tế. Chúng ta vừa trải qua một vài tuần ghi nhận số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân. Và trước đó, chúng ta vẫn chứng kiến số ca mắc bùng nổ trong làn sóng Delta” - ông Griffin nói.
Việc biến Covid -19 thành một căn bệnh đặc hữu, để chúng ta có thể sống chung với nó, đòi hỏi nhiều hơn một chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Điều đó đòi hỏi nỗ lực toàn cầu trong việc tăng cường giám sát các biến thể mới và hỗ trợ các quốc gia đối phó với dịch bệnh khi chúng bùng phát. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.
Mọi người đều hy vọng rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tiến hóa nhẹ hơn và Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu - hay nói đúng hơn là có thể kiểm soát dịch bệnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng đây vẫn là hy vọng và chúng ta cần hành động bằng mọi biện pháp để biến điều đó thành sự thật.
Tin vui từ giới khoa học
Hành trình hiện thực hóa hy vọng biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng những tin vui từ các nhà khoa học vẫn luôn làm cho thế giới thêm hứng khởi trên chặng đường khó khăn này. Ngày 11/1, Đại học Hoàng gia London công bố kết quả của một nghiên cứu phát hiện ra rằng, cảm lạnh thông thường có thể tạo ra mức độ tế bào T cao hơn giúp con người ít có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hơn.
Miễn dịch chống lại Covid-19 là một bức tranh phức tạp, trong khi có bằng chứng về mức độ suy giảm đáng kể kháng thể sau sáu tháng tiêm chủng, tế bào T cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng bảo vệ con người.
Nghiên cứu bắt đầu vào tháng 9/2020 đã xem xét mức độ nhận dạng chéo của tế bào T được tạo ra bởi các bệnh cảm cúm thông thường ở 52 người tiếp xúc với các trường hợp mắc Covid-19 sau 6 ngày để xem liệu họ có bị lây nhiễm hay không. Kết quả cho thấy rằng, 26 người không bị lây nhiễm có mức độ tế bào T phản ứng chéo về cơ bản đáng kể so với những người đã bị nhiễm bệnh. Điều này chỉ ra rằng tế bào T nhắm mục tiêu đến các protein bên trong virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới có thể mở đường cho sự phát triển tiềm năng của các loại vaccine ngừa Covid-19 mới. Các loại vaccine hiện có không tạo ra phản ứng miễn dịch đối với các protein bên trong virus.
“Tế bào T nhắm đến các protein bên trong virus mà chúng tôi xác định là ít đột biến hơn nhiều. Do đó, chúng được bảo tồn cao giữa các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Omicron. Các loại vaccine mới với các protein bên trong sẽ tạo ra các phản ứng tế bào T có tính bảo vệ rộng rãi, giúp cơ thể chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện tại và trong tương lai” - Giáo sư Lalvani, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Giáo sư David Robertson tại khoa Nghiên cứu Virus của Đại học Glasgow, cho biết: “Thật sai lầm khi cho rằng các loại virus hoặc mầm bệnh sẽ gây bệnh nhẹ hơn theo thời gian. Nếu một loại virus có thể tiếp tục lây lan và gây ra nhiều bệnh hơn, nó sẽ tiếp tục phát triển và tấn công con người”.