Học sinh tiểu học phải nghỉ luân phiên 1-2 ngày trong tuần, do quá tải sĩ số, trường thiếu phòng học trầm trọng. Đó là thực tế đang diễn ra ở trung tâm Hà Nội...
Số lượng học sinh lớp 1 tăng đột biến đã gây áp lực lên cơ sở vật chất trường học ở Thủ đô. Ảnh: Quang Vinh.
Học luân phiên do quá tải
Câu chuyện vừa nhắc đến chính là thực trạng của Trường Tiểu học Chu Văn An (Khu đô thị Linh Đàm- quận Hoàng Mai- Hà Nội). Theo đó năm học 2017- 2018, trường chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng đầu năm học 2018 - 2019 lại đến 23 lớp 1 với 1.145 học sinh, là trường có số lượng học sinh đông nhất Thủ đô. Số lượng học sinh lớp 1 tăng đột biến đã gây áp lực lên cơ sở vật chất của trường, vượt quá số phòng học hiện có. Vì thế, để đảm bảo việc học cho học sinh, toàn trường phải giảm số giờ học.
Cụ thể, thay vì được học đủ 5 ngày trong tuần, tương đương 10 buổi mỗi tuần như chương trình của Bộ GDĐT, tất cả học sinh các lớp chỉ được học 4 ngày/tuần với 8 buổi/tuần và phải học luân phiên cả thứ bảy, nghỉ hai ngày giữa tuần. Có những khối lớp may mắn được nghỉ hai ngày liền nhau trong tuần (thứ sáu, thứ bảy), lại vào dịp cuối tuần thì gia đình học sinh đỡ chật vật hơn. Nhưng cũng có những khối lớp học một ngày lại nghỉ xen kẽ một ngày. Hoặc lẽ ra các cháu được học vào ngày thường, nghỉ vào ngày cuối tuần, thì thời khóa biểu của nhà trường lại sắp xếp ngược lại…
Việc giảm số tiết học 2 buổi/tuần- tương đương với 8 tiết học đang khiến cho phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy và học của nhà trường. Ấy là chưa kể do số lượng học sinh quá đông, nên trung bình sĩ số học sinh trong mỗi lớp của Trường Tiểu học Chu Văn An là 55- 60 em/lớp. Cá biệt có những lớp lên tới gần 70 em. Việc quá tải sĩ số cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giảng dạy của thầy và trò.
Việc quá tải trường lớp trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã từng được đề cập nhiều, bởi khu vực này có đến 78 tòa chung cư với dân số trên 100.000 người. Gần như tất cả số học trên địa bàn phường đều tập trung học tại 2 Trường Tiểu học công lập là Hoàng Liệt và Chu Văn An. Riêng Trường Tiểu học Chu Văn An mới được tách ra từ Trường Tiểu học Hoàng Liệt từ năm học 2016 - 2017. Nhưng ngay cả khi trường vừa mới được tách cũng đã trong tình trạng quá tải rồi.
Tuy nhiên, Trường Tiểu học Chu Văn An không phải là trường hợp duy nhất mà học sinh phải nghỉ học luân phiên do thiếu trường lớp. Trường Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) học sinh cũng phải nghỉ học các ngày thứ 3 và chiều thứ 7 trong tuần. Hay tại Trường Tiểu học Đại Từ, học sinh cũng phải nghỉ luân phiên trong tuần.
Nhiều hệ lụy phát sinh
Chuyện học và nghỉ luân phiên ở trên đang phát sinh nhiều rắc rối với những gia đình công chức, hoặc những gia đình trẻ, khó khăn về điều kiện tìm người giúp việc. Họ phải tìm dịch vụ trông trẻ bán trú luân phiên bên ngoài với giá không hề rẻ. Đơn cử như tại khu vực Linh Đàm, giá trông học sinh tiểu học bán trú luân phiên một ngày dao động từ 160.000-200.000 đồng/em (đã kèm ăn một bữa trưa).
Phương án thứ hai được nhiều người lựa chọn là gửi con học bán trú tại nhà giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, nếu như năm học trước, giá trông giữ trẻ bán trú tại nhà giáo viên chủ nhiệm dao động từ 120.000-125.000 đồng/em/ngày thì nay số tiền đó đã tăng lên 175.000 đồng/em/ngày (đã kèm ăn trưa). Như vậy, với những gia đình có con nghỉ vào một ngày hành chính trong tuần, số tiền gửi bán trú ngoài phát sinh sẽ dao động từ 700.000- 800.000 đồng/tháng. Với những gia đình có con nghỉ tới hai ngày trùng ngày hành chính trong tuần, số tiền bán trú phát sinh sẽ tăng từ 1.400.000- 1.600.0000 đồng/tháng.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, nếu cộng tất cả những khoản tiền chi phí học trong tháng cho con. Gồm tiền đóng ở trường, tiền học thêm ở bên ngoài, cùng tiền phát sinh do nghỉ học luân phiên, tổng tiền hàng tháng phải chi phí cho con học ở trường công sẽ không thua kém mức chi phí cho học sinh các trường dân lập. Và bài toán kinh tế càng nặng nề hơn đối với những phụ huynh có đến hai con cùng học Trường Tiểu học Chu Văn An, hoặc những trường đang phải học luân phiên do quá tải.
Dẫu thế, điều khiến nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Chu Văn An bức xúc là dù giờ học chính của học sinh bị giảm xuống nhưng các tiết học thêm vẫn được nhà trường tự ý xếp vào thời khóa biểu chính thức mà không hề hỏi ý kiến phụ huynh. Chẳng hạn như chương trình học Tiếng Anh Bình Minh- là chương trình học liên kết với Trung tâm Bình Minh. Với học sinh khối lớp 3, nhà trường xếp học hai tiết mỗi tuần, xen vào các môn học chính, khiến phụ huynh không muốn cho con học cũng khó từ chối. Trường cũng có 2 buổi ghi thời khóa biểu là Quản lý cuối ngày, là thời gian kết thúc giờ học chính thì giáo viên trông thêm ngoài giờ. Như vậy, học sinh có đến 4 tiết học thêm nhưng trường không hỏi ý kiến phụ huynh mà tự ý đưa vào lịch học.
Trong khi theo tìm hiểu của phụ huynh, đối với học sinh lớp 3 đã bắt đầu có chương trình Tiếng Anh của Bộ GDĐT, nhưng trường vẫn tự ý xếp lịch học tiếng Anh Bình Minh. Phụ huynh cũng nhận xét ở các năm học trước (lớp 1 và lớp 2) chương trình này đã được phản ánh là không hiệu quả như mong đợi.
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội.
Trên cả quá tải!
Theo Sở GDĐT, năm học 2018-2019, lượng học sinh vào lớp 1 của Hà Nội tăng đột biến, khoảng 30.000 em. Nhiều trường có sĩ số cao gần gấp đôi so với qui định của Bộ GDĐT là 35 em/ lớp. Cụ thể, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) 59 em/lớp; Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ) 60 em/ lớp, Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) hơn 60 em/lớp…
Riêng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai), bà Lê Thị Thêu- Hiệu trưởng cho hay: Năm nay trường có 23 lớp 1, tăng 16 lớp so với năm ngoái. Số lớp tăng bằng cả một trường tiểu học. Cũng theo vị hiệu trưởng này, do khu vực có hơn 70 tòa chung cư nhưng chỉ có 2 trường học nên cơ sở vật chất thiếu thốn, việc bố trí cho học sinh học 4 ngày/tuần như hiện nay là phương án tối ưu.
Lượng học sinh quá lớn, lại liên tục gia tăng mỗi năm đã và đang gây áp lực lên khả năng đáp ứng cơ sở vật chất trường học tại Thủ đô. Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng cho các trường học.
Theo ông Ngô Văn Quý, năm 2018, Thủ đô đã dành 19.000 tỉ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22.000 phòng học mới, tỉ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. Tuy nhiên, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sĩ số lớp học được đẩy lên cao. Không chỉ khu vực nội đô mà cả vùng ngoại thành, cơ sở vật chất cũng là thách thức với các nhà trường và ngành giáo dục.
Hiện thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng kiến trúc, phối hợp với Sở GDĐT tiến hành rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường, lớp. Qua rà soát, thành phố đã có nhiều điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khu vực mật độ dân số cao. Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường. Tầng nâng được sử dụng cho giáo viên, các phòng chuyên môn của trường. “Chúng tôi rất mong có cơ sở pháp lý để thực hiện trong thời gian tới” - ông Quý nói.
Trong khi Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất xây trường, thì mỗi năm lượng học sinh đầu cấp, nhất là lớp 1 vẫn tăng nhanh. Để giải bài toán trường, lớp học quá tải đang diễn ra trên địa bàn, rất cần sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Không nên để tình trạng xây chung cư, nhưng lại bỏ quên xây trường học kéo dài hết năm này qua năm khác.