“Ở đâu có người cần lao, ở đó có quà vặt”, bạn nói, trong một chiều Sài Gòn, khi mùa mưa đã bắt đầu. Câu nói ấy không sai, nhưng có lẽ chưa đủ. Bây giờ, ăn quà vặt đâu chỉ có những người lao động nghèo, mà còn có rất nhiều công chức văn phòng, rất nhiều bạn trẻ. Nhiều du khách nước ngoài còn nhận xét Việt Nam là “thiên đường quà vặt”, đặc biệt ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Món khoai lang chiên giòn.
Giờ còn xuất hiện Quà vặt online. Ngồi ở Hà Nội hay Sài Gòn tựa lưng vào sopha vừa lướt Facebook vừa order mấy hũ sữa chua nha đam, đĩa xôi mít hay đĩa nem chuối, bánh rán mặn, thịt xiên nướng… Vài chục phút sau, đã thấy những món quà vặt ưa thích đặt trong những chiếc khay, chiếc hộp xinh xinh chuyển tới. Nhưng thật, ăn như thế là cho đỡ nhạt miệng nhạt mồm. Ăn như thế là để cho đỡ nhớ đỡ thương chứ nhất quyết không phải là cách ăn quà vặt ngon nhất. Ăn như vậy thì ngồi ở Hà Nội hay Sài Gòn; Nha Trang hay Hội An cũng thế, chả có gì khác biệt.
Sấu chín dầm chua ngọt - món đặc trưng của mùa thu Hà Nội.
Bởi, quà vặt thường trở nên ngon kinh khủng khi thưởng thức nơi lề đường, góc phố. Mà phải là những con phố nhỏ, những hẻm phố sâu, những quán hàng có khi đơn sơ tạm bợ nhưng đã trở thành địa chỉ ruột hoặc phải cất công tìm kiếm qua rất nhiều lần thử nghiệm, qua nhiều ngóc ngách ngoằn ngoèo thì mới thấy thú vị, mang đến hương vị đặc trưng của mỗi đô thị. Nơi ấy, từ mấy đời nay có một quán nhỏ, bàn ghế cũ xỉn. Nơi ấy, có khi phải chen chúc kề vai thích cánh vào nhau, chỗ ngồi chật hẹp đầu gối san sát, đầu gối chạm cằm, chờ đợi, mồ hôi túa ra, thậm chí tự bưng tự bê mới thấy ngon, thấy hay.
Xôi chiên hấp dẫn.
Nếu ăn quà vặt mà ngồi ở những chỗ sang, bàn ghế sáng bóng, cam đoan 100% là kém ngon đi. Tỉ như ăn món bún ốc lạnh nổi tiếng của người Hà Nội thì phải tìm đến góc phố Hàng Chiếu bên Ô Quan Chưởng, nơi ấy có một cô Xuân truyền nhân bún ốc của cụ Thảo người làng Khương Thượng đã 20 năm ngồi đó bán hàng. Hay món bánh quẩy chấm sữa đã gắn bó với người Sài Gòn mấy chục năm về trước giờ còn lại một vài nơi để người thưởng thức không quên hương vị xưa như quán cà phê vợt ở hẻm 313 trên đường Tân Phước (phường 6 - quận 11 - TP HCM).
Hoặc giả, cứ “bê” những quán ngô nướng trên cầu Long Biên (Hà Nội) vào một nhà hàng, cửa hiệu sang trọng nào đấy xem, sự thể ăn uống nó sẽ kém thú vị đi ngay. Mà phải là chui vào tùm hụp mảnh nilon lật phật, vừa xuýt xoa với bắp ngô nướng nóng giẫy trên tay vừa nghe gió sông Hồng mang theo những giọt mưa mùa đông hun hút thổi làm những ngọn lửa chốc tắt chốc bùng lên theo chiều gió, vừa ăn vừa nghe cái lạnh tê tái đang mang một mùa đông nữa qua đời mình.
Hoặc những chiếc bánh tằm mềm, bánh tằm dai không còn ở góc đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM) hoặc Cống Quỳnh - Cao Thắng (quận 3, TP HCM) mà di chuyển vào một quán cà phê wifi nào đó, có lẽ người ăn sẽ chẳng nhớ lâu, nhớ dai đến vậy.
Bánh xèo.
Thế mới hay, cái sự ăn, ngoài ngon mắt, ngon mồm, còn là ngon ở không gian, không khí xung quanh nữa. Ăn vặt đâu phải là ăn chính mà cốt lấy no, lấy đầy bụng. Ăn vặt, nói theo ngôn ngữ hoa mỹ thì là lót dạ, chỉ để lưng lửng bụng nên lấy sự ngon, sự thưởng thức lên làm đầu. Ngồi ăn vặt ở những quán vỉa hè, ngoài thưởng thức vị ngon của món ăn còn được thu nhận vào mình âm sắc phố phường, nơi đó chứa đựng cả một góc sự sống đang sôi động. Một góc phố có quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều người quen hay được nghe những câu chuyện đời thường rất… vỉa hè. Ngồi trên vỉa hè còn cảm nhận rõ được mùa nào thức nấy, thấy được thời tiết và dòng đời đang chảy trôi bên mình. Chẳng hạn, bên đĩa nem chua rán, đĩa chả cốm chấm tương ớt cay xè xuýt xoa, ngắm lá vàng rơi rơi và bầu trời xanh ngắt, biết thu đã về với Hà Nội.
Hay bát bánh trôi tàu, bát chí mà phù cay cay vị gừng xuýt xoa trong cái lạnh đầu mùa. Qua Tết, đầu xuân người Hà Nội chán chê tiệc rượu lại thèm bát bún ốc chua chua thanh thanh. Còn món nộm sứa lại gọi hè về khi cái nóng chưa oi nồng, nực nã. Với người Sài Gòn, đất nhiều sản vật thiên nhiên, mùa ổi mùa chôm chôm mùa xoài mùa mận (quả doi) cứ bày cả ra trên những xe trái cây xắt miếng ướp đá, đi trong cái nắng chan hòa lồng lộng, mua một bịch trái cây, người bán hàng phát cho mấy cái xiên, cứ thế ngồi ghế đá hay dựa gốc cây mà thưởng thức sự mát ngọt ngon lành của miền nhiệt đới.
Một xe trái cây trên đường phố Sài Gòn.
Ăn vặt đôi khi còn là để nhớ một món ăn tuổi thơ khó khăn lắm mới được mẹ mua cho một vài lần, thời sinh viên chỉ đủ tiền mua mấy món bình dân, đến khi thành đạt, khi no đủ rồi vẫn không thể nào nguôi quên, vẫn thấy món ăn ấy, quán vỉa hè ấy là ngon, là hấp dẫn nhất, đến nỗi cả trong mơ vẫn còn ao ước, thèm thuồng. Mà cái sự ngon càng tăng, nếu đi ăn qua vặt với một “bè lũ”, với “chiến hữu” thân thiết, cùng sở thích, có cười nói “văng mạng”, chém gió tưng bừng hay ngồi dai ngồi lâu thì cũng vẫn chỉ nhận được nụ cười hiền hậu độ lượng của bà bán hàng. Chỉ thế thôi mà dù đi đâu, xa xôi đến mấy cũng vẫn muốn quay về chốn cũ.
Bia hơi Tạ Hiện.
Ảnh:Hoàng Thu Phố
Thử tưởng tượng, nếu một ngày quà vặt sẽ biến mất khỏi những góc phố, hẻm ngõ? Chắc chắn khi ấy Hà Nội hay Sài Gòn lượng người tụ lại trên vỉa hè sẽ giảm hẳn, những góc phố sẽ hết cảnh nghẽn đường cục bộ. Tiếng í ới, xuýt xoa ngon ngọt chua cay trên hè phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) nơi món hoa quả dầm được chế biến ngon “thượng hạng” sẽ thôi chen chúc. Món bánh khọt, bánh căn trên đường Hoàng Sa (quận 3, TP HCM) hay Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng sẽ không còn hấp dẫn, quán ốc vỉa hè đường 3/2, quán ốc chợ Bầu Ben, Trần Quốc Thảo cũng sẽ chẳng còn xôn xao những mì xào ốc giác, chem chép, ốc len, mực nướng sate ngon đằm vị giác. Nhưng lúc đó, tôi cam đoan, những góc phố ấy vô hồn, nó giống như những con phố mới, những hẻm phố lạ của một đô thị xa nào đó. Thế mới biết, mỗi góc phố, con đường, có thêm một quán ăn, một hàng cây, một địa điểm quen sẽ để lại trong tâm hồn rất nhiều nhung nhớ.
Quà vặt vì thế cũng là một góc nhớ. Nhớ thẳm sâu.
Những món ăn vặt ngon ở Sài Gòn Sữa chua hạt đác ở quán trước hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; flan xay trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5; mực chua rim cay quán Alibaba trên đường Lê Thị Riêng; sinh tố dầm phố Lý Chính Thắng, quận 3; trứng cút nướng chén, bánh tráng nướng trứng, cút xào me hoặc nem nướng, bánh tráng nướng nem Nhi Nhi Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp… Ngoài ra còn có các món bánh bò, bánh da lợn, bánh tai yến, bánh tráng, bánh tiêu, bánh tằm khoa mì, bánh ống lá dứa có thể gặp bất cứ đâu trên vỉa hè Sài Gòn. Địa chỉ ăn vặt ngon ở Hà Nội Khi mùa thu đến, người Hà Nội thường thưởng thức món sấu chín dầm trên trục phố cổ; chả cốm với bún đậu ở các phố Hàng Than, Hàng Khay, Phùng Hưng, ngõ Tràng Tiền, bánh trôi tàu ở Hàng Giầy, Hàng Cân, Quán Thánh, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Thành Công… Cháo sườn Ngõ Huyện (trên phố Lý Quốc Sư), bún ốc Hàng Chai, chè chuối nướng Trần Hưng Đạo, chè thái chợ Nam Đồng; bánh gối, bánh giò chợ Nghĩa Tân; bún chả que tre, bánh rán mặn và các loại chè ngọt mát chợ Đồng Xuân; nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm, nộm bò khô “bố già” ở ngã tư Hồng Phúc - Nguyễn Trung Trực; miến cua, miến trộn, bún mọc, cháo trai chợ Thành Công… Bên cạnh đó còn có các phố hoa quả dầm Tô Tịch, nem rán Tạm Thương, ốc luộc, chè ngõ Tự Do, caramen Hàng Than… |