Ngày 6/9 tại Hà Nội, Vụ Pháp chế, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức Tọa đàm về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quang cảnh tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Chi cục Quản lý thị trường các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có mặt hàng rượu. Đặc biệt đối với rượu thủ công, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát được tăng cường.
Nhờ đó, trong năm 2016 theo báo cáo tổng số chai rượu nhập lậu bị thu giữ, xử lý là 25.297 chai rượu các loại. Năm 2017, tổng số chai rượu nhập lậu bị thu giữ xử lý hơn 30.000 chai các loại. Tính đến tháng 6/2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 165 vụ, tổng số chai rượu bị thu giữ, xử lý là 16.237 chai các loại.
Đối với mặt hàng rượu thủ công trong năm 2017 đã thực hiện kiểm tra 3.297 vụ, xử lý 1.951 vụ, tạm giữ, tịch thu gần 90 nghìn lít rượu. 6 tháng năm 2018 theo báo cáo từ các Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang, Hưng Yên, Tây Ninh, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 25 vụ, xử lý 10 vụ thu giữ 1.431 lít rượu.
Đánh giá về công tác quản lý, kiểm tra, xử lý rượu lậu, rượu không nhãn mác, ông Tuấn cho biết, dù đã đạt nhiều kết quả song tình hình sản xuất rượu lậu, không nhãn mác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng. Nguyên nhân do vấn đề kiểm soát, công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu thủ công còn nhiều khó khăn do việc sản xuất rượu thủ công đơn giản, được thực hiện chủ yếu ở các hộ gia đình nông thôn. Hơn nữa việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện dễ dàng. Đây chính là lý do dẫn đến các vụ ngộ độc rượu chủ yếu đến từ việc sử dụng loại rượu sản xuất thủ công.
Xuất phát từ thực tế trên nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này. Hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% là rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách, cụ thể từ rượu không mác nhãn ước tính mỗi năm Nhà nước thất thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Eurmonitor (quy mô thị trường đồ uống có cồn năm 2015): Ước tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu USD/ năm (hơn 10.000 tỷ đồng).