Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho Quân đội. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới. Những người cả cuộc đời từng gắn bó với môi trường Quân đội đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
Tình quân dân.
Vì dân nguyện chiến đấu, hi sinh
GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4, thành viên Ban Biên tập văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho biết: Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi biết rằng đồng bào dân tộc trên chiến khu Việt Bắc đã gọi các chiến sỹ của chúng ta là “Bộ đội Ông Ké” dù lúc đó nhiều người chưa biết “ông Ké” là Bác Hồ - là lãnh tụ của chúng ta. Tên gọi “Bộ đội Ông Ké” là hết sức thân thiết dành cho những người mà họ yêu quý. Vì bắt nguồn từ tên gọi đó, sau này mới hình thành tên gọi Bộ đội Cụ Hồ.
Chỉ riêng tên gọi thôi đã mang tính nhân văn, tính chất nhân dân cực kỳ sâu sắc. Cái tên đã thể hiện sự gần gũi của người lãnh tụ tối cao của dân tộc với người lính bình thường, đồng thời cho thấy khả năng vươn lên của những người lính bình thường nhất để họ có thể trở thành những người có phẩm chất cao quý, mang giá trị của nhân cách lớn, nhân cách của một lãnh tụ. Bộ đội Cụ Hồ với những biểu hiện đẹp đẽ của nó đã là hình tượng tiêu biểu, đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, được nhân dân ca ngợi là những “con người đẹp nhất”, được coi là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ.
Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, xuất thân từ nhân dân, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, hi sinh, do vậy mối quan hệ quân-dân của Quân đội ta có nét khác biệt về bản chất so với mối quan hệ giữa quân đội của giai cấp bóc lột với nhân dân lao động. Quân đội ta ra đời được xây dựng trên nền tảng của phong trào cách mạng của nhân dân. Quân đội luôn tận tụy với dân, sẵn sàng hy sinh, quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, đó chính là biểu hiện của phẩm chất hiếu thảo với những người đã sinh ra và nuôi dưỡng, che chở cho mình trưởng thành, lớn mạnh.
Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay cũng có những thách thức không nhỏ, đặc biệt vấn đề xây dựng nhân cách, từ người sỹ quan cấp cao đến người lính bình thường. Những tác động đó có thể là tác động xã hội, về mặt chính trị…Vì thế, để hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn là hình mẫu lý tưởng trong lòng nhân dân, điều này đòi hỏi đặt ra vấn đề rất khoa học, nhân văn.
Theo đó, cần nhận thức rõ những giá trị cốt lõi nhất, bền vững trong nhân cách của Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh. Đó là lòng yêu nước, trung thành với Tổ quốc, với Đảng; phẩm chất vì nhân dân quên mình. Thứ hai, phải tiếp cận những vấn đề mới. Bởi hoàn cảnh đã thay đổi, sẽ có những thách thức mới với người lính trước tác động của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói, thời gian tới là giai đoạn đầy thách thức để giữ vững, phát huy, phát triển phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Cần giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, đó là ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo. Trong chiến tranh, sự hi sinh chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, cho nhân dân là thước đó cao nhất tinh thần vì dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, trong thời bình, vẫn cần đến sự hi sinh, cống hiến nhưng không chỉ là hi sinh xương máu, đó còn là sự hi sinh những nhu cầu, lợi ích đời thường của mỗi cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Sẵn sàng đến với dân, đồng cam, cộng khổ với mọi khó khăn, gian khổ của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Quân dân đoàn kết một lòng
Để giữ vững nền độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chỉ có lực lượng Quân đội là chưa đủ. Vì thế, Ngày hội Quốc phòng toàn dân là bởi chúng ta đã bước vào một giai đoạn lịch sử mới khi chiến tranh kết thúc. Lúc đó nhiệm vụ đặt ra không chỉ là trách nhiệm của Quân đội trong việc bảo vệ Tổ quốc mà còn là sự kết hợp, tổng hợp của toàn dân. Để gắn liền sức mạnh đó thành sức mạnh lớn chúng ta đã có Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Trước kia khi nói đến bảo vệ Tổ quốc chúng ta chỉ nói đến Quân đội, nhưng giờ phải là mặt trận của toàn dân. Đây không phải là một mỹ từ mà là một yêu cầu, đòi hỏi, khát vọng, đồng thời là sức mạnh của cả Quân đội và dân tộc.
Để phát huy sức mạnh của khối đoàn kết quân dân có rất nhiều việc cần làm. Theo ông Đinh Xuân Dũng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân với nhiệm vụ giữ nước. Thời gian qua đã có dấu hiệu tách rời giữa kinh tế với quốc phòng, tách rời giữa nhu cầu cá nhân với trách nhiệm của cộng đồng cho nên giáo dục tuyên truyền, quảng bá tư tưởng bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm của từng người dân, là việc vô cùng lớn.