Bên cạnh tin tức từ các cơ quan báo chí trong nước, hàng loạt các hãng thông tấn và tờ báo quốc tế trong ngày 23/5 đã đồng loạt đưa tin về chặng dừng chân đầu tiên tại Hà Nội của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á, trong đó nhấn mạnh rằng đây là một chuyến đi nhằm thắt chặt mối quan hệ song phương về nhiều mặt.
Tổng thống Obama nhận hoa khi mới đặt chân tới sân bay Nội Bài (Nguồn: Reuters).
Báo USAtoday hôm đầu tuần đưa tin về chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó dẫn lời ông Obama nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến tới một “giai đoạn mới”, trong đó chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí sát thương kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua đối với Việt Nam cùng việc mở rộng các mối quan hệ thương mại giữ hai nước mà tổng giá trị có thể lên tới hàng tỷ USD.
“Chỉ mới cách đây một thế hệ, chúng tôi từng là kẻ thù và giờ chúng tôi là bằng hữu” - USAtoday dẫn lời ông Obama trong một cuộc họp báo cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho hay.
Theo tờ báo này, ông Obama cũng được cho là sẽ thúc đẩy một vấn đề khác được xem là một phần trong mối quan hệ đang ngày càng được thắt chặt giữa Mỹ và Việt Nam: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được ký kết bởi 12 quốc gia mà trong đó Việt Nam là một đối tác hết sức quan trọng.
Theo hãng tin AP, những dấu hiệu khác của mối quan hệ thắt chặt giữa hai “cựu thù” còn bao gồm cả thúc đẩy hợp tác thương mại, hợp tác quân sự, hợp tác trong các chương trình nghiên cứu tại các trường Đại học ở cả hai nước, và trao đổi văn hóa mà trong đó gồm cả mở cửa trở lại Tổ chức Hòa bình Mỹ (Peace Corps) tại Việt Nam. Các tình nguyện viên của tổ chức này sẽ tập trung vào việc dạy tiếng Anh cho sinh viên, giúp đào tạo các đồng nghiệp của họ trong công tác giảng dạy tiếng Anh.
Nói về triển vọng hợp tác quân sự với Việt Nam, AP dẫn lời Tổng thống Obama, mô tả lệnh cấm vận là “một vết tích còn sót lại” của Chiến tranh Lạnh mà giờ đây không còn cần thiết nữa khi Mỹ và Việt Nam đã tiếp tục tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Hãng tin AP dẫn lời ông Obama nói rằng, quyết định gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận trên, mà trong năm 2014 Mỹ đã gỡ bỏ một phần, là sự thay đổi nhằm đảm bảo rằng Việt Nam sẽ “tiếp cận được trang thiết bị cần thiết để tự bảo vệ mình”, chứ không liên quan tới các bên khác.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 23/5 cũng đưa tin về chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, trong đó nói rằng Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam để siết chặt thêm mối quan hệ, thêm rằng các nội dung nghị sự sẽ bao gồm cả vấn đề Biển Đông và TPP.
Theo WSJ, mục đích chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản lần này của tổng thống Mỹ là “nhấn mạnh chính sách xoay trục sang châu Á, đặc biệt là vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác an ninh, đồng thời củng cố di sản của tổng thống khi ông sắp kết thúc nhiệm kỳ hai”.
Hãng tin Reuters trong khi đó nêu bật quan hệ đối tác thương mại giữa hai nước, thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, lên khoảng 45 tỷ USD, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Việt Nam hiện là quốc gia Đông Nam Á có lượng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, với phần lớn là hàng dệt may và điện tử.
“4 thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh, chuyến đi của Tổng thống Obama nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và kinh tế với Việt Nam” - bài viết đăng tải trên Reuters có đoạn.
Tổng thống Obama, trong lúc gặp gỡ các lãnh đạo nhà nước Việt Nam trong hôm đầu tuần tại thủ đô Hà Nội, cũng hoan nghênh các thỏa thuận thương mại trị giá tới hơn 16 tỷ USD được ký kết giữa hai nước, trong đó gồm kế hoạch mà hãng VietJet dự định mua 100 máy bay từ hãng Boeing cùng 135 động cơ hiện đại từ nhà sản xuất Pratt & Whitney, theo Reuters.
Tổng thống Obama bắt tay Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo chung tại Hà Nội (Nguồn: AFP).
Nhấn mạnh về mục đích của chuyến thăm Việt Nam, Reuters dẫn lời Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes khẳng định: “Những gì chúng tôi muốn chứng minh qua chuyến thăm này là sự nâng cấp đáng kể mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam... ngay cả khi giữa chúng tôi còn tồn tại những điều khác biệt”.
Hãng tin Bloomberg còn đề cập tới khoản đầu tư song phương lớn nhất giữa Mỹ và Việt Nam, trong đó gồm TPP. Trong khi thỏa thuận này đang gây tranh cãi trong giới chính trị gia ở Quốc hội Mỹ, thì Tổng thống Obama luôn tin tưởng rằng hiệp định TPP cần phải đi vào hiện thực.
Theo Bloomberg, trong khi một số nhà phê bình ở Mỹ cho rằng các nước có mức lương thấp như Việt Nam sẽ khiến nước Mỹ mất đi công ăn việc làm, thì Tổng thống Obama nói rằng TPP bao gồm cả các điều luật bảo vệ lao động và sẽ giúp mở cửa các thị trường mới để sản phẩm Mỹ được vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Obama cũng tin tưởng rằng đây là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, mà trong đó có Việt Nam.
“Đây là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới” - Tổng thống Obama nhấn mạnh.