“Nếu suốt ngày chỉ diện complet đi dự tiệc; đến khi hội đàm chỉ nói dăm câu ba điều còn công việc giao hết cho cấp dưới thì hiệu quả không cao. Bản thân một Đại sứ mà chỉ thực hiện các hoạt động có tính chất hình thức; theo khuôn mẫu chung chung thì chỉ là hoàn thành nhiệm vụ”, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ khi gặp gỡ với phóng viên những ngày đầu xuân 2017.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn. (Ảnh: Thành Trung).
Nước Nga chân tình, cảm thông và chia sẻ
PV: Thưa Đại sứ, ông từng nhiều lần đến với nước Nga trên nhiều cương vị khác nhau. Nước Nga trong ông là cảm nhận như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Khi tôi đặt chân lên nước Nga năm 1973, tôi thấy tấm lòng của người Nga lúc đó đối với lứa sinh viên chúng tôi như những người ruột thịt; rất cảm thông, chia sẻ. Tất cả những nơi đặt chân đến họ đều coi chúng tôi như những người con, người em trong gia đình. Sau rất nhiều năm với 3 nhiệm kỳ công tác tại Nga mỗi nhiệm kỳ cách nhau khá dài nhưng lần nào trở lại Nga tôi cũng cảm thấy như được trở về với quê hương thứ 2 của mình.
Cách đây 2 năm, một lần nữa trở lại nước Nga trên cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga, tôi thấy, trải qua nhiều khúc quanh của lịch sử nhưng tình cảm của người Nga với Việt Nam vẫn trước sau như một.
Với tư cách một người gắn bó với nước Nga tôi thấy nước Nga xứng đáng được tôn vinh ở vị trí của một cường quốc. Hai đất nước có những điểm rất gần gũi. Chúng ta có cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước để bảo vệ Tổ quốc. Các bạn Nga thì có cuộc chiến tranh chống phát xít ngăn ngừa thảm họa cho cả thế giới.
Nước Nga có một nền văn hóa, văn học đồ sộ với nhiều tên tuổi lớn như Lev Tolstoi, A. Puskin… Tất cả những sự gần gũi ấy khiến cho nhiều người Việt tuy chưa một lần đặt chân đến nước Nga những vẫn rất yêu nước Nga.
Với truyền thống gắn bó lâu đời; với sự gần gũi giữa hai dân tộc, hai đất nước, ông thấy tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga sẽ phát triển thế nào trong tương lai?
- Quan hệ Việt Nam-LB Nga là quan hệ gần một thế kỷ. Bây giờ cũng có nhiều người ở trong nước không hiểu thực tế tình hình Nga; cho rằng Nga đang bị bao vậy cấm vận và sẽ bị sụp đổ. Tất cả nhận định đó đều sai lầm, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về nước Nga. Dân tộc Nga, người dân Nga có bản tính rất kiến cường. Việc bị bao vây cấm vận 2 năm qua không những không làm cho nước Nga khủng hoảng mà còn làm cho người Nga đoàn kết hơn.
Xét về quan hệ song phương từ thời Liên Xô trước đây và nước Nga bây giờ, tôi cho là nước Nga ngày nay có những mặt hợp tác chặt chẽ với chúng ta hơn so với Liên Xô trước đây. Ví dụ trong lĩnh vực đào tạo. Xưa nay bạn chưa bao giờ mở số học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh của ta lớn như bây giờ với khoảng 1000 học bổng (vào năm 2018) so với trước kia là khoảng 800. Trong thời kỳ bạn khó khăn như hiện nay, bạn cũng cố gắng để sinh viên của chúng ta có thể được đào tạo ở những trường lớn như Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), Tài chính, Kinh tế, Học viện Ngoại giao (MGIMO), Giao thông vận tải, Kiến trúc… kể cả Nhạc viện mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại Piotr Tchaikovsky.
Tôi thấy, quan hệ song phương Việt- Nga chỉ có lợi ích chung chứ không có mâu thuẫn cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Và quan hệ ấy phải được các thế hệ sau này tiếp tục hiểu và vun đắp.
Hợp tác Việt Nam - LB Nga cần được thúc đẩy tích cực trên ba lĩnh vực
Cơ bản quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- LB Nga, theo như Đại sứ trong hiện tại và tương lai nên như thế nào?
- Cho tới đầu năm 2017 này, nước Nga vẫn chưa chưa thoát khỏi bao vây cấm vận. Vì thế vẫn rất cần sự hợp tác của các đối tác truyền thống. Và hợp tác kinh tế với Nga vào lúc này là rất quan trọng. Trong lịch sử, hiện tại và cả tương lai Việt Nam với Nga sẽ có nhiều lợi ích. Chúng ta có một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, khoa học, công nhân kỹ thuật đã được đào tạo tại Nga và đào tạo tại Nga vẫn có chất lượng; khoa học cơ bản của Nga vẫn là nền tảng. Nhiệm kỳ lần này có nhiều khó khăn với Nga. Những việc chúng tôi làm trong 2 năm qua tôi mong muốn sẽ được kế nhiệm tốt.
Hai nước đang thúc đẩy hợp tác kinh tế trên bình diện rất rộng. Mong muốn của hai nước là làm sao đến 2020 đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 10 tỉ đô la. Nhưng tôi cho 10 tỉ đô la so với tiềm năng hai nước vẫn là chưa tương xứng.
Như Đại sứ vừa nói kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga còn nhiều dư địa. Vậy, trên cương vị của mình, những năm qua ông đã thúc đẩy hợp tác song phương như thế nào?
- Trong nhiệm kỳ Đại sứ lần này, tôi thấy có mấy thứ cần phải làm. Thứ nhất quan hệ chính trị đối ngoại cần củng cố để phát triển trên cơ sở xây dựng lòng tin tuyệt đối với nhau. Phải có lòng tin thì mới hợp tác tốt. Nếu không có lòng tin thì hợp tác không mang lại hiệu quả cao. Mà đã có quan hệ chính trị tốt thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và thúc đẩy phát triển cộng đồng.
Chính vì lý do đó, với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, thời gian qua, tôi đã thúc đẩy 2 dự án hợp tác. Một giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Moskva và dự án của Tập đoàn TH True Milk cùng với tỉnh Moskva.
Còn với khu công nghiệp - dự án phức hợp, sau khi gặp khó khăn trong triển khai từ phía Việt Nam, với cương vị Đại sứ chúng tôi vận động DN Việt Nam để triển khai. Tôi thấy cần thúc đẩy dự án này vừa để giữ uy tín cho đất nước; vừa tạo môi trường cho các DN Việt. Và đáng mừng là giờ khu công nghiệp ấy đã khai trương được 2 tháng. Với sự phát triển của khu công nghiệp này, tôi tin, mô hình này ở Nga sẽ phát triển theo chiến lược “vết dầu loang”. Chúng ta không muốn lòng tin của ta bị giảm ở thị trường nước ngoài thì cần nỗ lực thực hiện theo cam kết.
Vậy còn với mục tiêu thứ ba là phát triển cộng đồng thì sao, thưa Đại sứ?
- Một trong những trăn trở của tôi khi trở lại nước Nga đó là việc làm sao nâng cao vị thế cộng đồng. Một trong những việc cụ thể để nâng cao vị thế ấy là việc xử lý các xưởng may đen với khoảng 10 ngàn công nhân. Làm sao để họ không bị trục xuất với số lượng lớn các công nhân này. Muốn thế phải có sự vận động quyết liệt, tranh thủ bạn tối đa, ở cấp này, cấp khác vì cơ chê hành chính của bạn hiện nay là khá cứng nhắc. Ví dụ, cơ chế của bạn hiện nay chỉ cho visa 1 năm và muốn làm tiếp phải xuất cảnh sau đó lại nhập cảnh lại với thủ tục quy trình như mới.
Để làm việc này, tôi đã trực tiếp vận động. Trước mắt với số công nhân kỹ thuật của TH True Milk, đã có một cơ chế đặc cách của bạn dành cho số công nhân kỹ thuật này. Tôi cũng thuyết phục và được bạn chấp nhận làm thí điểm đối với số công nhân ở xưởng may đen trong việc chúng ta giải quyết cơ bản số lượng người Việt đang lao động bất hợp pháp tại LB Nga. Mong muốn của tôi là đưa cộng đồng của ta dần vững mạnh, làm ăn hợp pháp, đem lại lợi ích cho cả 2 quốc gia.
Một việc nữa đó là thuyết phục DN đứng ra xây Trung tâm thương mại văn hóa đa chức năng Hà Nội – Moskva - đây là trung tâm có sự đầu tư của người Việt với số vốn trên dưới 300 triệu USD. Đây cũng là trung tâm mà ban đầu chủ đầu tư nản lòng đã định chuyển nhượng. Nhưng, hiện tỉ lệ lấp đầy của khu căn hộ, khách sạn đạt 90%; và khu thương mại là 80%. Đây đã từng là nơi tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao với sự tham dự của hàng trăm DN trong nước và nhiều DN trong số đó đã tìm được đối tác.
Tất cả các hoạt động lớn nhỏ hơn 2 năm lại đây, gặp gỡ giữa cộng đồng với các lãnh đạo cấp cao của ta khi thăm Nga đều tổ chức ở đây với 4-500 người. Đây là điểm nhấn, biểu tượng tốt đẹp nhất trong quan hệ hợp tác Nga - Việt hiện nay.
Đặt mình vào vị trí của người dân
Điều gì ông thấy tâm đắc nhất trong 2/3 chặng đường của nhiệm kỳ Đại sứ lần này, thưa ông?
- Nếu một Đại sứ suốt ngày chỉ diện complet đi dự tiệc đến khi hội đàm chỉ nói dăm câu ba điều còn công việc giao hết cho cấp dưới thì hiệu quả không cao.
Bản thân Đại sứ mà không lăn lộn cùng cộng đồng; chỉ thực hiện các hoạt động có tính chất hình thức; không tìm hiểu tâm tư và không gắn bó với cộng đồng và thúc đẩy quan hệ song phương; và nếu chỉ thực hiện theo khuôn mẫu chung chung thì chỉ là hoàn thành nhiệm vụ.
Hãy đặt vị trí của mình ở vị trí của người dân. Hãy đặt ta vào vị trí của họ thì biết ta cần làm gì. Với cộng đồng Việt tại nước Nga, 2 năm qua dẫu là thời điểm khó khăn của bạn nhưng lại là 2 năm cộng đồng đã ổn định trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Mai Loan