Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc. Ngoài ra, một phần chất thải rắn từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu cũng chưa bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tạo gánh nặng cho việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong nước.
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 quy định chất thải rắn sinh hoạt tại nhà phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tương tự như hộ gia đình, cá nhân ở đô thị.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại theo đúng quy định cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. Năm 1999, Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2007 thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm chương trình này.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phát sinh từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn…) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại…), chất thải rắn sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải…
Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi nilong có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010.
Kết quả tính toán chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bình quân đầu người dựa trên số liệu về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và dân số cho thấy một số địa phương có chỉ số phát sinh cao như: Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm: 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh).
Ngoài ra, chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt khoảng 6-8%, cộng với nhận thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế nên công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế.