Quản lý nghệ thuật trên mạng: Khi sai phạm 'nhờn thuốc'

Minh Quân 25/08/2016 08:54

Gắn mác 16+, 18+ với những nội dung hình ảnh gợi cảm, ca từ dung tục… thậm chí, trước khi ra mắt các sản phẩm nhiều nghệ sĩ còn “nhá hàng” với những hình ảnh “nóng” nhằm câu kéo khán giả. Dù đã có các chế tài xử phạt nhưng thực tế các quy định đến nay vẫn chưa đủ sức răn đe khi các sai phạm cứ liên tiếp xảy ra.

MV “Em không hối tiếc - 18+” của ca sĩ Nguyễn Hương Giang là một trong những sai phạm của các chương trình, tiết mục biểu diễn trên mạng.

Sai phạm tràn lan

Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản gửi tới Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh về việc kiểm tra hoạt động lưu hành chương trình, tiết mục biểu diễn trên mạng viễn thông.

Theo văn bản sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc ca sĩ Nguyễn Hương Giang (Hương Giang idol) tổ chức quay, phát hành video ca nhạc với chủ đề “Em không hối tiếc - 18+” với nội dung hình ảnh trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Sau khi bị Cục Nghệ thuật biểu diễn có văn bản yêu cầu giải trình và đề nghị Sở VH- TT TP HCM xem xét nhắc nhở, xử phạt, Hương Giang Idol đã phải chỉnh sửa MV có 90% cảnh nóng để có thể ra mắt khán giả. Trước sự việc này, ngày 21/8, Hương Giang tung trailer chính thức cho “Em không hối tiếc” của mình. Nhưng cô và ê kíp đã sửa lại nội dung MV, cắt hết những cảnh nóng theo yêu cầu của cơ quan chức năng…

Tuy nhiên, trường hợp MV của ca sĩ này cũng chỉ là một trong nhưng sai phạm của các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh được đăng tải trên các mạng viễn thông hiện nay. Xu hướng gắn mác các sản phẩm âm nhạc 16+, 18+… nhiều năm nay đã trở thành “trào lưu” chung của nhiều ca sĩ.

Bởi chỉ nội việc “gắn mác” giới hạn lứa tuổi cũng cũng đã đủ tạo nên sự “tò mò” với khán giả chứ chưa cần bàn đến nội dung của sản phẩm. Chưa kể, với vấn nạn băng đĩa lậu thì các sản phẩm online giờ đây đang chính là công cụ hữu hiệu để PR hình ảnh của nhiều ca sĩ.

Thậm chí, nhiều nghệ sĩ sản phẩm vi phạm nhưng vẫn hồn nhiên tung ra thị trường và chỉ khi các cơ quan chức năng “tuýt còi” thì mới gỡ bỏ và vui vẻ nộp phạt. Tuy nhiên, với website âm nhạc Việt Nam nếu sai phạm thì còn có các chế tài buộc phải gỡ bỏ kèm những án phạt hành chính.

Nhưng vẫn có một nơi án phạt không có hiệu lực, đó là Youtube, trang web chia sẻ hình ảnh và âm thanh lớn nhất thế giới. Đơn cử như bộ phim phim 18+ Căn hộ số 69 dù đã yêu cầu gỡ bỏ từ năm 2014 nhưng sau 2 năm vẫn đang được đăng tải trên Youtube. .

Sửa đổi để răn đe

Trước những “lỗ hổng” mới đây, Bộ VHTT&DL cũng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Trong đó, Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận hơn 2 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng nhưng mức phạt tiền còn thấp, vì vậy không đảm bảo được tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực.

Chưa kể, có một số hành vi có mức phạt tiền cao không khả thi với thực tế hoặc một số hành vi không được quy định tách bạch khi chủ thể có hành vi vi phạm cần phải được quy định lại và xác định rõ chủ thể của hành vi. Những vấn đề đó cần phải được giải quyết bằng việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý chưa có biện pháp xử lý rốt ráo thì các bộ phim, MV âm nhạc này vẫn tạm an toàn với phương án phát hành trên Youtube. Bản thân những người biểu diễn vi phạm dù nhận án phạt vẫn ung dung, nếu không nói là vẫn tiếp tái diễn những vi phạm.

Dạo qua trên mạng xã hội, không khó bắt gặp những trang Facebook có nội dung thiếu lành mạnh, nhiều sản phẩm âm nhạc chỉ mới thoáng nhìn qua nhiều người phải đỏ mặt... Còn khán giả thì không khỏi băn khoăn về những sản phẩm văn hóa rất đáng ngại về chất lượng nội dung và nghệ thuật lại có thể dễ dàng tiếp cận thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý nghệ thuật trên mạng: Khi sai phạm 'nhờn thuốc'