Ngày 10/8, trong ngày đầu phiên họp 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quản lý người nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam thì xử lý hành chính thế nào?- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này. Ông Giàu cho biết, 7 tháng đầu năm có 16 ngàn người nước ngoài xâm nhập trái phép vào nước ta. Vừa qua TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử và phạt 25 năm tù đối với 6 người đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này cũng cần xem xét xem các quy định đã đủ mức răn đe hay chưa.
“Hình sự thì đã rõ rồi vậy hành chính thì thế nào? Nếu quy định rõ, cụ thể thì người dân sẽ hiểu qua đó góp phần giảm dần tình trạng vi phạm. Cho nên cần nghiên cứu xem xét, bổ sung vào trong luật này”- theo ông Giàu.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng các hành vi môi giới đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ vào Việt Nam đã được quy định trong Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Với các hành vi như nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại, ngoài vấn đề phạt tiền còn bị tịch thu tang vật. Mức phạt đối với hành vi môi giới nhập cảnh trái phép có thể lên đến 30 đến 40 triệu đồng. Do đó trong quản lý người nước ngoài vào Việt Nam, Ban soạn thảo sẽ rà soát nghiên cứu xem những hành vi mới xảy ra trên thực tế để có thể bổ sung thêm những hành vi nào và mức phạt ra sao.
Ngay sau đó, ông Giàu nói thêm: “Trong thời gian qua chúng ta không phát hiện được người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ vấn đề môi giới mà chủ yếu phát hiện từ vấn đề lưu trú. Vậy vấn đề này xử lý thế nào? Cái này cực kỳ nguy hiểm và cần nghiên cứu”.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng, quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị tiếp tục giữ nguyên phương án Chính phủ trình, để luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 và không để thời gian chuyển tiếp tới năm 2025 như đề xuất của Ủy ban Pháp luật.
“Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng điều kiện. Không có căn cứ gì kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025, nếu đối chiếu với các công việc đang triển khai”- Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Nên đưa ra mốc thời gian luật có hiệu lực để cố gắng. Trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đến lúc cần bỏ. “Tôi ủng hộ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Cao Bằng: Phát hiện 12 người nhập cảnh trái phép
Vào lúc 2h30 sáng 10/8, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Quang Long phát hiện tại khu vực mốc 875 (huyện Hạ Lang) 6 người gồm 3 nam, 3 nữ có hành vi nhập cảnh trái phép. Đến 9h sáng cùng ngày, Đồn lại phát hiện 6 người khác nhập cảnh qua mốc 876 gồm 5 nữ, 1 nam. Các đối tượng khai đi làm thuê bên Trung Quốc trở về, trong đó cả những đối tượng mới đi từ năm 2020. Các đối tượng đều đã được bàn giao đưa đi cách ly theo quy định. (C.Luận)