Quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Việc thu thập dữ liệu từ các nền tảng, trong nước và ngoài nước, sẽ rất có giá trị trong việc phát hiện các cá nhân, hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động nhưng chưa đăng ký với cơ quan thuế.
Ebay, Amazon… đóng thuế như thế nào?
Theo Thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới (như eBay, Amazon, Bestbuy,...) đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế GTGT) đối với từng đơn hàng, sau đó, nộp vào ngân sách thay cho người bán trên sàn của mình. Khi người mua đặt hàng, sẽ có số thuế tạm tính được cộng vào tiền thanh toán. Số thuế này sẽ được xác định chính xác tại email xác nhận đơn hàng gửi đến cho người mua.
Các thông tin về quy định tính và nộp thuế thay cho người bán thường được các sàn điện tử thông báo công khai trên website của mình.
Đơn cử như trường hợp eBay: tại mục thông tin về thuế dành cho người bán hàng, eBay thông báo rõ người bán hàng có trách nhiệm phải chịu các khoản thuế và phí bao gồm: thuế doanh thu, thuế thu nhập và thuế nhập khẩu (với người mua ở nước ngoài). Số tiền thuế từ các đơn hàng này, eBay có trách nhiệm thu hộ và nộp cho cơ quan thuế thay cho người bán.
Từ 1/1/2021, đã có tổng số 44 cơ quan thuế các nước yêu cầu eBay thực hiện nghĩa vụ này.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, 2019, cơ quan thuế các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Đức đã triển khai các biện pháp để thu thuế doanh thu thông qua các sàn điện tử. Khi người mua thực hiện mua hàng từ người bán ở nước ngoài, thì giao dịch này phải thuộc đối tượng chịu thuế ở nơi tiêu thụ (nơi người mua ở).
Tuy nhiên, người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế họ phải nộp cho mỗi quốc gia mà họ bán hàng tới. Theo đó, các nước đã ban hành các đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải có nghĩa vụ xác định nghĩa vụ thuế của người bán và thu hộ rồi nộp cho cơ quan thuế.
Tại Trung Quốc, ngoài việc thực hiện thu hộ, nộp hộ thuế cho người bán, cơ quan thuế còn yêu cầu DN kinh doanh sàn điện tử phải xuất hóa đơn cho khách hàng, đồng thời, khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin về thuế có liên quan của các giao dịch cho cơ quan thuế và lưu trữ các thông tin này trong tối thiểu 3 năm.
Đến thực tế tại Việt Nam
Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm các dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách thuế tại Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đối với quy định nghĩa vụ thu thập dữ liệu, lưu giữ hồ sơ, nộp hồ sơ và nộp thuế của người kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh bao gồm cả đối tác địa phương của các nền tảng kỹ thuật số ở nước ngoài và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia rất chú trọng đến vấn đề này, và thường có các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng số nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, việc sử dụng cơ chế khấu trừ thuế thông qua các nền tảng và sàn TMĐT trong điều kiện thực tế của Việt Nam là phù hợp, vì cơ chế này sẽ tăng cường tính tuân thủ, cũng như giảm gánh nặng hành chính đối với người nộp thuế và giảm chi phí quản lý đối với cơ quan thuế. Cơ quan thuế Việt Nam quản lý tốt các giao dịch thương mại điện tử phát sinh trên các nền tảng này, cũng như đối với cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.
Để thu thuế hiệu quả, ông Việt Anh nói thêm, hiện nay để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng điện tử này nhiều DN, cá nhân đã và đang sử dụng các công cụ giám sát hoạt động trên mạng xã hội để tìm hiểu khách hàng phản hồi như thế nào về cửa hàng của mình, cũng như tìm hiểu về các đối thủ cạnh tranh.
Cơ quan quản lý thuế có thể cân nhắc hợp tác với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ này, để xây dựng các công cụ phục vụ công tác quản lý thuế, theo đó giúp phát hiện các cá nhân có dấu hiệu kinh doanh trên mạng xã hội để so sánh, đối chiếu với dữ liệu đăng ký thuế của cơ quan quản lý.
Tháng 7/2020, OECD đã công bố các quy tắc mẫu được thiết kế để trở thành một phần của quy trình quốc tế nhằm thu thập và chia sẻ thông tin về các nhà cung cấp sử dụng nền tảng kỹ thuật số để bán dịch vụ. Mục đích của hệ thống là “đảm bảo người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế có quyền truy cập kịp thời vào thông tin chất lượng cao, nhằm nâng cao tính tuân thủ và giảm thiểu gánh nặng cho cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế”.