Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 17/11, đã cảnh báo về những tiến bộ khiêm tốn mà các nước châu Phi đã đạt được trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực.
Người dân Somalia tiếp tục đối mặt với nguy cơ nạn đói.
Trong báo cáo Khái quát khu vực về vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng công bố tại hội nghị chuyên đề y tế và thực phẩm diễn ra ở thủ đô Abidjan của Côte d’Ivoire , các chuyên gia FAO nhận định thực trạng suy dinh dưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn còn tồn tại, khi các quốc gia ghi nhận đồng thời tỷ lệ trẻ em thiếu ăn hoặc thiếu máu và béo phì cao. Theo báo cáo, 1/4 trong khoảng 815 triệu dân số thiếu ăn trên thế giới đều tập trung tại châu Phi.
Tại khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi, những bước tiến hướng đến đạt được các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu của Đại Hội đồng Y tế thế giới nhìn chung vẫn còn hạn chế.
Mặc dù trong giai đoạn 2000-2010, khu vực này đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong cuộc chiến chống tình trạng thiếu ăn, song nạn thiếu ăn tại tất cả các khu vực của Lục địa Đen lại tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 20,8% năm 2015 lên mức 22,7% trong năm 2016.
Báo cáo cũng nhấn mạnh nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng như giúp tăng cường sức đề kháng và trí thông minh cho trẻ.
Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo những tác động từ biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực. FAO nhấn mạnh việc giải quyết nguồn cơn của các cuộc xung đột và thúc đẩy an ninh lương thực có thể góp phần vào việc duy trì nền hòa bình.
Hồi đầu năm nay, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tổ chức nhân đạo này đã vận động cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ thế giới tăng cường viện trợ nhân đạo để cứu trợ khẩn cấp cho hơn 3,9 triệu người dân Somalia thiếu lương thực trầm trọng do bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hán hán kéo dài, các cuộc xung đột vũ trang, nhất là các cuộc tấn công khủng bố do lực lượng Hồi giáo cực đoan Al Shabaab tiến hành.
Chương trình viện trợ nhân đạo này được xây dựng dựa trên các số liệu thực tế về người tị nạn đang tập trung trong các trại tị nạn của Liên hợp quốc tại Somalia và các quốc gia láng giềng đồng thời, dựa trên số lượng người dân ở quốc gia Đông Phi này có nguy cơ thiếu lượng thực, thực phẩm trầm trọng, nhất là nhiều người trong số này sẽ bị nạn đói đe dọa nếu không được cứu trợ kịp thời.
Trong khuôn khổ chương trình viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2016 - 2018 cho Somalia, kế hoạch ứng phó năm 2017 của OCHA sẽ tập trung cung cấp lương thực để cứu trợ cho hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa khủng bố và xung đột vũ trang; tăng cường hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cơ bản tối thiểu cho những khu vực chiến sự và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề người tị nạn ở quốc gia Đông Phi đầy bất ổn này. Báo cáo của OCHA cho biết thêm hiện có 5 triệu người Somalia, chiếm hơn 40% tổng dân số của nước này, đang thiếu lương thực nghiêm trọng. Đặc biệt có hơn 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trong đó có hơn 50.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
Hiện khoảng 200 đại biểu đến từ 47 quốc gia châu Phi đang tham dự hội nghị chuyên đề y tế và thực phẩm kéo dài 2 ngày tại Abidjan để thảo luận về hệ thống lương thực bền vững để cải thiện vấn đề dinh dưỡng trong khu vực.