“Trong năm 2016, các bộ ngành, địa phương đã thanh lý xong 1.105 xe ô tô công, trong đó, số thu được từ việc bán 761 xe là hơn 35 tỷ đồng, bình quân mỗi xe được 46,2 triệu đồng” - thông tin này được ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cung cấp tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra mới đây. Một sự lo ngại đã trở thành nhãn tiền, khi bình quân mỗi chiếc ôtô công thanh lý giá quá rẻ, chỉ như một chiếc xe máy.
Đây không phải là lần đầu tiên giá thanh lý xe ôtô được đề cập. Trong 6 tháng của năm 2016, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương cũng đã thanh lý tổng cộng 264 xe ôtô công.
Giá trị ban đầu của 264 xe này là gần 80 tỷ đồng, nhưng sau khi thanh lý chỉ thu về có vỏn vẹn 390 triệu đồng. Lấy 390 triệu đồng chia cho số lượng xe trên, tính ra chỉ mất gần 1,5 triệu đồng là sở hữu được một chiếc xe công. Một sự chênh lệch khó có thể chấp nhận giữa “80 tỷ đồng” và “390 triệu đồng”, một sự khó chấp nhận giữa dự toán và thực tế.
Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cho thấy, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó.
Nhớ có lần khi đề cập đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhắc đến cũng một mét đất có thể chúng ta chỉ bán được 3 triệu đồng, nhưng khi được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tốt thì giá bán có thể lên tới 30 triệu. Đấy là chênh lệch địa tô và phải thuộc về Nhà nước. Do vậy, chúng ta phải rút kinh nghiệm trong thời gian qua là chúng ta cấp dự án trước rồi đầu tư cơ sở hạ tầng sau đó là một sự lãng phí vì chênh lệch địa tô không thuộc về Nhà nước. Việc xây dựng chính sách phải hướng vào việc khơi thông nguồn lực của tài sản công là vô cùng quan trọng, phải làm thế nào để Nhà nước có được lợi ích tốt nhất mới là điều khó. Điều hành tốt là một phần, cái quan trọng là phải đi từ thể chế chính sách.
Khơi thông nguồn lực của tài sản công, hay nói thẳng là bảo vệ tài sản công được tư lệnh ngành Tài chính đề cập đến là hiện thân của hai chữ “xin - cho”, là miếng mồi béo bở bào mòn ngân sách nhà nước, thay vì việc tiền công chảy vào ngân sách lại được chảy vào chỗ khác.
Từ hướng dẫn chưa rõ, thiếu minh bạch, thể hiện một số cơ chế xin - cho; chưa quy định rõ, cơ quan này được xây dựng bao nhiêu mét, được sử dụng phương tiện gì, nên có những cái vượt mức quy định. Một tư duy nhiệm kỳ mà quan chức mỗi độ cáo lão về hưu bỗng có khối biệt thự tiền tỷ, trong khi lương Bộ trưởng chỉ khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng đang để ngỏ câu hỏi tiền ở đâu và trách nhiệm ở đâu?
Theo quy định tại Nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ và tại Quyết định số 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, xe ôtô công được thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; hoặc sử dụng ít nhất 250.000km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên quy định này cho phép, với những trường hợp ôtô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Đơn vị có thể áp dụng hình thức bán đấu giá theo quy định.
Điều đó đồng nghĩa, những xe ô tô đã được định giá dưới mức 50 triệu đồng/xe thì các đơn vị sẽ không bắt buộc phải bán đấu giá, và thông tin bán các xe này không phải công bố công khai rộng rãi. Thu được từ việc bán 761 xe là hơn 35 tỷ đồng, bình quân mỗi xe được 46,2 triệu đồng.
Nhiều câu hỏi được đặt ra liệu các tài sản này đã cố tình bị “dìm giá” ngay trong khâu định giá để đưa về mức dưới 50 triệu đồng, và được bán chỉ định hoặc đấu giá hẹp cho một số đối tượng nhất định, có dấu hiệu lợi ích nhóm, chia chác?
Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiêu chuẩn sử dụng và khoán xe công. Nếu phương án được thông qua, số xe phục vụ chung sẽ giảm khoảng một nửa.
Cụ thể, số xe phục vụ chung sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng 8.000 ôtô công được đưa ra bán, xử lý. Với số xe dôi dư này, Bộ Tài chính đề xuất trước tiên là bán chỉ định cho chức danh được xe công đưa đón nếu có đề xuất mua lại. Sau đó mới điều chuyển thay xe cũ hoặc bán đấu giá.
Những người được đề xuất ưu tiên mua lại xe công có chức danh, hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên, tới chức danh Thứ trưởng và tương đương. Nếu chiểu theo quy định trên chỉ có cán bộ từ Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng; Phó Bí thư tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh thành; hay Phó Chủ tịch HĐND, UBND Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đủ tiêu chuẩn.
Quy định bán đấu giá là để công khai, minh bạch, mọi người đều có cơ hội, nhưng với “tiêu chuẩn” như trên, không phải nói ai cũng hiểu đó là ưu tiên cho cán bộ, người dân khó mà “mó tay” tới. Trong bối cảnh đấu giá như “quân xanh, quân đỏ”, đang tạo nên những khuất tất trong đấu giá tài sản công vừa làm thất thoát tài sản nhà nước, làm mất niềm tin của người dân.
Phải chăng sự ưu ái một lần nữa thuộc về “cán bộ” thay vì “toàn dân”? Xe nguyên giá cả tỷ đồng khấu hao hết rồi lại hóa giá bán nội bộ, cũng như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nếu không minh bạch, đánh giá đúng tài sản Nhà nước thì tiền lại rơi vào túi các nhóm lợi ích, dân không được lợi.
Mỗi ôtô công chỉ bán được bình quân 46 triệu đồng được coi là giá rẻ mạt, nhưng ở đây không chỉ câu chuyện giá xe, còn là trách nhiệm của các cơ quan công vụ với tài sản mua từ tiền thuế của người dân.
Thật đáng buồn khi cái gì được mua bằng tiền công lại cũng cao hơn tiền tư, còn khi thanh lý thì rớt giá một cách khó ngờ. Khi tài sản công không quản lý, siết chặt từ mua sắm cho tới thanh lý sẽ có những thất thoát. Đó là điều cần phải cảnh báo.
Bộ Tài chính giải thích việc bán xe công giá 46 triệu đồng Chiều ngày 13/3, Bộ Tài chính lên tiếng khẳng định: Chia bình quân số xe thanh lý/ tiền thu được ra kết quả 46,2 triệu đồng/ xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là xe ôtô công. T.Hằng |