Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nghệ An về thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo giám sát thực hiện bảo vệ môi trường, sáng ngày 28/7, Đoàn công tác do ông Phùng Khánh Tài, Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về vấn đề nêu trên.
Theo thống kê của tỉnh Nghệ An, tổng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng gần 1,7 ngàn tấn/ngày. Trong đó, lượng CTR sinh hoạt tại khu vực đô thị là 520 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn là gần 1,2 ngàn tấn/ngày. Lượng CTR sinh hoạt được thu gom đạt hơn 1,4 ngàn tấn/ngày.
Tính từ 2014 đến nay, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch, quản lý chất thải rắn trên địa bàn với định hướng bố trí 20 khu xử lý chất thải rắn, cụ thể 13 khu xử lý CTR tại các thị trấn huyện, thị xã trong tỉnh. Trong đó có 8 địa điểm của các huyện vùng đồng bằng, trung du với diện tích mỗi địa điểm từ 7-10 ha và 5 địa điểm tại các huyện vùng miền núi với diện tích mỗi điểm từ 3-5 ha.
Ngoài ra, có 7 khu xử lý chất thải rắn vùng tại các xã như Nghi Yên (Nghi Lộc), xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), xã Yên Khê (Con Cuông)... Riêng đối với chất thải y tế nguy hại, hiện nay Nghệ An có 12/29 cơ sở y tế công lập có lò đốt xử lý chất thải y tế nguy hại đang hoạt động, 10/29 cơ sở đã được đầu tư công trình xử lý và tiêu hủy CTR lây nhiễm bằng công nghệ hấp ướt tích hợp nghiền cắt.
Cũng theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay hàng năm tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 56 tấn rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong quá trình sản xuất như túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh... được thải bỏ và trở thành chất thải.
Riêng công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoảng sản, toàn tỉnh Nghệ An hiện 221 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 165 giấy phép khoảng sản do UBND tỉnh cấp, 56 giấy phép do Bộ TNMT cấp. Trong đó, hiện có 151 mỏ khai thác đã được phê duyệt ĐTM, 70 điểm còn lại được huyện cấp phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
Trong 5 năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Sở TNMT đã kiểm tra và xử lý 39 cơ sở với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; Công an tỉnh đã tiến hành 391 cuộc kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 391 cá nhân, tổ chức vi phạm và phạt tiền 5,5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, nhiều thành viên đoàn giám sát đã nêu ra nhiều câu hỏi trong công tác bảo vệ môi trường đến tỉnh Nghệ An như công tác hoàn nguyên các bãi rác, công nghệ xử lý rác, xử lý rác nguy hại, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới thực hiện như thế nào, chưa đề cập về rác thải đại dương, cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư xử lý rác...
Trả lời Đoàn giám sát về công tác phối hợp giữa Mặt trận và ngành Tài nguyên, ông Phan Đức Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian qua giữa hai đơn vị có ký kết chương trình phối hợp, hàng năm có các cuộc tuyên truyền, tập huấn. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình (5.000 mô hình) thu gom, xử lý rác thải.
Trong khi đó, liên quan đến việc mức thu phí và chi phí chi cho ngân sách về bảo vệ môi trường, tỉnh Nghệ An luôn đảm bảo trên 1% mức chi thường xuyên đủ để duy trì được hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nghệ An đã bố trí 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu tại các cơ sở y tế.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian qua, Nghệ An không có điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Riêng vấn đề biến đổi khí hậu thấy khá rõ trong nhiều năm qua, đặc biệt năm nay, hạn hán đã làm hàng ngàn diện tích lúa, hoa màu ở Nghệ An thiếu nước trầm trọng. Trong thời gian tới, Nghệ An sẽ có những giải pháp căn cơ để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường như nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả phối hợp của Mặt trận và cơ quan TNMT để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động...
Kết luận tại buổi giám sát, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận sự thẳng thắn về cái được và chưa được của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường. Với diện tích rộng, dân số đông có cả rừng, biển nên việc bảo vệ môi trường cũng là mỗi “đau đầu” của địa phương. Qua theo dõi, thấy rằng tỉnh Nghệ An cũng rất trăn trở về việc mời gọi các nhà đầu tư đối với lĩnh vực xử lý môi trường. Đồng thời đánh giá cao công tác thanh kiểm tra trong việc bảo vệ môi trường, nó được thể hiện rõ ở số vụ bị xử phạt trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng mong muốn tỉnh Nghệ An, phải quan tâm việc quy hoạch, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện việc quy hoạch cho vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc quản lý, xử lý chất thải rắn, rác thải nhựa vẫn bất cập như vị trí bãi rác chưa bố trí đúng khoảng cách, chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp, chưa xử lý triệt để nước rỉ rác, còn nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị tỉnh Nghệ An, quan tâm hơn nữa vấn đề bảo vệ môi trường, gắn với biến đổi khí hậu, làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp tốt giữa Mặt trận và các sở, ban ngành. Quan tâm quy hoạch bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường, công khai kết quả giám sát môi trường để người dân được biết. Tiếp tục triển khai các mô hình khu dân cư, tổ tự quản bảo vệ môi trường.