Quan tâm tới vệ sinh môi trường để đẩy lùi dịch bệnh

Nghĩa Toàn(thực hiện) 10/11/2022 06:55

Trước thực tế dịch sốt xuất huyết lây lan, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

PGS.TS Đinh Vạn Trung.

PV: Xin ông nhận định cụ thể hơn về tình hình dịch sốt xuất huyết trong nước hiện nay, cũng như nguyên nhân bùng phát dịch?

PGS.TS ĐINH VẠN TRUNG: Ở thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết (SXH) không chỉ bùng phát tại riêng Việt Nam mà trên thế giới, nhiều nước châu Á và châu Mỹ cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Ở nước ta, dịch SXH lưu hành quanh năm nhưng đỉnh điểm thường vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Nguyên nhân chính cần phải kể đến là do đặc điểm thời tiết của nước ta, rất thuận lợi để tác nhân gây SXH là muỗi Aedes phát triển.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, các nghiên cứu khoa học cũng như các thống kê cũng chỉ ra rằng, cứ khoảng từ 3-5 năm, nước ta lại có một đợt dịch SXH lớn, đó là chu kỳ của dịch bệnh và năm nay rơi vào đúng chu kỳ đó. Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, với sự đô thị hóa và biến đổi khí hậu như hiện nay, chu kỳ đó còn có thể ngắn hơn, tức là hoàn toàn có khả năng cứ 2 năm sẽ lại có một đợt cao điểm của dịch SXH. Bên cạnh đó, tôi cho rằng một nguyên nhân khác là tại một số nơi chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong phòng, chống SXH. Đồng thời, ý thức phòng, chống dịch SXH của người dân tại nhiều nơi còn chưa được tốt.

Thực tế, không ít người gần như không để ý đến môi trường xung quanh. Chúng ta cũng có thể hiểu được, với cuộc sống bận rộn như hiện tại thì một bộ phận không nhỏ người chỉ về nhà, về phòng trọ để ngủ. Tuy nhiên, đặc tính của muỗi Aedes là đẻ trứng vào những bể chứa nước sạch. Mỗi người dân cần ý thức được để phòng bệnh cần vệ sinh môi trường, thu dọn phế thải và giữ cho những nơi chứa nước sạch không có loăng quăng bọ gậy. Chỉ cần 1 lần 1 tuần, mỗi người trong gia đình chúng ta cùng nhau vệ sinh nhà cửa, kiểm tra bể chứa nước thì tôi nghĩ rằng tình trạng lây lan của dịch SXH sẽ được cải thiện.

Không ít trường hợp gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong vì SXH. Ông có thể đưa ra những khuyến cáo cho người bệnh?

- Khi bị SXH, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nguyên nhân là do virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê.

Một biến chứng nữa là gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ tử vong.

Từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn.

Ngoài ra, SXH có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt. Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

Đối với phụ nữ mang thai, nếu bị SXH trong những ngày đầu mắc bệnh, mẹ bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị SXH trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.

Bởi vậy, khi có sốt cao, lại đang trong vùng dịch SXH, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị phù hợp. Đặc biệt, lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng bệnh luôn đóng vai trò quyết định để đẩy lùi dịch bệnh, ông có thể đưa ra những lời khuyên cho người dân?

- Mọi người cần tuân thủ đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm tới vệ sinh môi trường để đẩy lùi dịch bệnh