Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng thiên nhiên kỳ bí, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người.
Ngày 23/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào danh mục Di sản thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí, đó là các tiêu chí về văn hóa, về vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Sau hơn 9 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản Tràng An đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của Di sản được tôn trọng và gìn giữ, nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Di sản được nâng lên rõ rệt, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh.
Công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch trên toàn tỉnh Ninh Bình.
Đặc biệt, vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn Di sản có chuyển biến tích cực; các hoạt động du lịch, sinh kế được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng đã từng bước được nâng lên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị Di sản để thực sự Di sản là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ.
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và các cơ quan, các nhà khoa học trong nước, quốc tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản góp phần diễn giải các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.
Đặc biệt, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng thiên nhiên kỳ bí, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Rừng rậm còn hoang sơ, hồ nước sông suối trong vắt, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh, chỉ có âm thanh và sắc màu của thiên nhiên.
Cảnh quan tháp karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục bởi vẻ đẹp siêu nhiên bậc nhất trên thế giới với muôn hình vạn trạng. Cảnh quan gồm chủ yếu một loạt các tháp karst dạng nón, với vách dốc đứng cao 200 m so với nền đất xung quanh.
Quần thể danh thắng Tràng An còn là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hoá vô giá, kho thông tin nguyên vẹn truyền thống cư trú của loài người, và là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, và các tác nhân khác.
Trong các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất. Từ hàng loạt các di tích, di vật được tìm thấy đã khẳng định vùng đất này luôn được sử dụng làm nơi định cư của loài người.
Từ khi hình thành các bãi bồi, cư dân đã đến định cư, khai thác nguồn lợi từ biển, từ núi rừng. Họ cư trú ngoài trời, trong các hang động, và lùi sâu vào vùng lõi của Tràng An. Đến thế kỷ thứ X, ở thung lũng Hoa Lư, cư dân Tràng An không ngừng phát triển bản sắc văn hoá của họ trong sự hoà hợp chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên, xây dựng Kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hoá, lập ra ba triều đại đầu tiên trong nền phong kiến độc lập, làm tiền đề hun đúc văn minh Đại Việt.
Sự phát triển bản sắc văn hóa cứ thế được lưu truyền nối tiếp nhau qua các thế hệ, hiện hữu trong nét đẹp của những truyền thống tín ngưỡng cộng đồng, ăn sâu vào tiềm thức, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, trở thành di sản “niềm tin” mà đến bây giờ được thể hiện sinh động qua hàng loạt các lễ hội trong Quần thể như: Lễ hội chùa Bái Đính (6/1 ÂL), lễ hội Cố đô Hoa Lư (10/3 ÂL) hay lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương (18/3 ÂL)…
Du khách đến với Quần thể danh thắng Tràng An là ngược dòng thời gian trở về với nét vàng son của lịch sử, hoà mình trong văn hoá tâm linh truyền thống, hay bồng bềnh trên những con thuyền nhỏ do chính những người dân địa phương chèo lái, thả hồn trong giang sơn cẩm tú, hang kỳ đá lạ, tận hưởng bầu không khí thuần khiết, tinh lương, trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc và khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại và khám phá ra chính bản thân mình.
Quần thể danh thắng Tràng An - nơi của cảm hứng vĩ đại, nơi thiên nhiên và văn hoá không thể tách rời, nơi văn hoá tương tác và bị thay đổi kỳ diệu, bí ẩn và lộng lẫy của thế giới tự nhiên tạo nên mạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa lịch sử với cảnh quan, giữa thiên nhiên với con người, đã trở thành biểu tượng của văn hoá Việt Nam đang trên đà phát triển, để thế giới hướng về Tràng An và Tràng An hoà mình vào thế giới.