Vừa qua, tại TP HCM, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”. Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã tham dự và có ý kiến phát biểu đầy tâm huyết tại Hội nghị.
Báo Đại Đoàn Kết xin trân trọng giới thiệu nội dung tóm lược ý kiến góp ý của nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm đối với Đề án, nhằm bảo đảm tính kế thừa, phát triển, đổi mới tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời phát huy được những mặt tích cực của mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn vừa qua.
Trước tiên, tôi hết sức hoan nghênh và cảm ơn Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo này. Đây là dịp để đại biểu có cơ hội đóng góp những ý kiến của mình vào Đề án xây dựng cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Để phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới nói chung, để có cơ sở xây dựng Đề án nói riêng, trước hết cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, về Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chưa có thời kỳ nào trong Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng gần đây, Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận xác định đầy đủ tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận như hiện nay; khẳng định MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Chính vì vậy, cần phải nhận thức đúng đắn MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, chứ không phải liên minh xã hội. Mặt trận cần phải phát huy đúng mức vai trò của các tổ chức thành viên, nhất là phát huy vai trò vừa là thành viên, vừa là hạt nhân lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cần phải có chính sách thu hút, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực tham gia hoạt động của Mặt trận. Cần tăng cường phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn của Mặt trận. Cần quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhất là Chủ tịch Mặt trận các cấp ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Mặt trận phải chủ động, tham mưu, phối hợp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình hoạt động của mình.
Về các phương án thay đổi, bổ sung, tên gọi và chuyển đổi nhiệm vụ của các ban, đơn vị tham mưu trong cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Theo tôi, tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của từng ban, từng đơn vị hiện nay đã rõ ràng, hợp lý. Vì vậy, không nên thay đổi, mà chỉ nên cân nhắc bổ sung, hoàn thiện về nhiệm vụ. Cụ thể như sau:
Việc theo dõi các thành viên của Mặt trận (bao gồm cả tổ chức và nhân sự) - đây là nhiệm vụ chủ yếu của Ban Tổ chức cán bộ, không nên chuyển giao cho Ban Phong trào.
Hai phương án dự kiến sửa đổi tên của Ban Phong trào thành Ban Đoàn kết vận động xã hội và Ban Vận động cộng đồng - hai phương án này đều không rõ mục đích, không rõ nội dung, không rõ đối tượng và phạm vi hoạt động; dễ nhầm lẫn rơi vào hoạt động của xã hội dân sự. Đến giờ này, tôi còn nhớ khi tôi làm Tổng Thư ký và Chủ tịch Mặt trận, một số cụ trong Mặt trận đã lưu ý đừng biến Mặt trận như người khổng lồ về hoạt động xã hội, từ thiện thuần túy; mà trọng tâm là tập trung huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, nên giữ lại tên gọi Ban Phong trào, bởi vì đây là tên rút gọn của Phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Bác Hồ; thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung, phạm vi hoạt động của Mặt trận.
Không nên thay đổi Ban Dân chủ - Pháp luật thành Ban Dân chủ - Giám sát - Phản biện xã hội. Tuy giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải được đẩy mạnh nhưng tên gọi Ban Dân chủ - Giám sát - Phản biện xã hội vừa dài, vừa không bao quát hết được đầy đủ vai trò của Mặt trận trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch vững mạnh; mà trong đó trọng tâm là góp phần xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá hiện nay mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã xác định. Tham gia xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, Mặt trận phối hợp tổ chức thành công các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thực sự là công bộc của dân. Muốn thực hiện tốt các nội dung trên, Mặt trận cần phải lắng nghe, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thông qua hệ thống của Mặt trận, các thành viên Mặt trận, các buổi tiếp xúc giữa đại biểu dân cử và nhân dân, các cơ quan báo chí để có cơ sở thực tiễn kịp thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bổ sung, hoàn thiện thể chế và pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia vừa đúng ý Đảng, vừa hợp lòng dân. Và từ đó, Mặt trận có cơ sở để tổ chức phản biện, giám sát đạt hiệu quả. Chứ không phải Mặt trận chỉ đơn thuần dựa vào cơ quan báo chí để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân như một số ý kiến đã nêu. Do đó, toàn bộ những nhiệm vụ nêu trên phải do Ban Dân chủ - Pháp luật chủ trì, tham mưu cho Ban Thường trực. Tôi cũng kiến nghị không nên chuyển giao nhiệm vụ bầu cử Quốc hội, HĐND cho Ban Tổ chức cán bộ chủ trì; không nên chuyển giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cho Ban Tuyên giáo. Vì vậy, phải giữ lại tên gọi Ban Dân chủ - Pháp luật bởi vì tên gọi này tuy ngắn gọn, nhưng bao quát được mục tiêu, nội dung và phạm vi hoạt động nói trên của Mặt trận.
Tôi hết sức hoan nghênh việc đề xuất nâng cấp Bảo tàng Mặt trận. Tôi góp ý nên lấy tên gọi của Bảo tàng là Bảo tàng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Theo tôi, nên huy động tiềm năng của các tổ chức thành viên tham gia xây dựng Bảo tàng để Bảo tàng xứng đáng ngang tầm với lịch sử vẻ vang hơn 90 năm qua của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Việc thành lập Trường Mặt trận cần nghiên cứu thêm tính thiết thực và tính khả thi vì cán bộ Mặt trận là cán bộ của Đảng. Cán bộ Mặt trận cần phải được quy hoạch và đào tạo trong các trường Đảng, các trường trong hệ thống chính trị. Do đó, tôi kiến nghị trong chương trình đào tạo của các trường Đảng, các trường của hệ thống chính trị nên có các nội dung về đại đoàn kết, về Mặt trận dân tộc thống nhất trong chương trình đào tạo của mình. Khi cán bộ được phân công làm công tác Mặt trận, thì Mặt trận đi sâu bồi dưỡng thêm những nội dung chuyên sâu về công tác Mặt trận. Còn theo tôi, trước mắt không nên thành lập Trường Mặt trận, mà nên tập trung phát huy đúng mức hiệu quả Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam hiện nay.
Tôi cũng kiến nghị Bộ Chính trị khôi phục lại vị trí chính trị của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị, chứ không phải trực thuộc Ban Bí thư như hiện nay. Trong đó, nên quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Đảng đoàn Mặt trận trong việc tham gia quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu của Mặt trận. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên ban hành Quy chế làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Mặt trận; qua đó để phát huy vai trò vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận của Đảng.