Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đã chỉ ra các sai phạm tại cấp huyện ở một số địa phương. Điều đó cho thấy không ít nơi đang “có vấn đề” khi bỏ lọt, bỏ qua cho sai phạm dù dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng; đồng thời đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cũng như sức chiến đấu của các tổ chức Đảng hiện nay.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Ông Vũ Quốc Hùng.
PV:Thưa ông, trong thời gian qua mặc dù chúng ta đã có phân cấp nhưng trong các kết luận của UBKT Trung ương vẫn chỉ ra những sai phạm tại cấp huyện ở một số địa phương. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: Để tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, “trên nóng dưới lạnh” nên Ban Bí thư có quy định tăng thẩm quyền và trách nhiệm của UBKT Trung ương để tiến hành kiểm tra đến tận cấp huyện, quận. Điều đó cho thấy Trung ương đã nhìn thấy được sức chiến đấu của tổ chức Đảng cấp dưới ở một số nơi yếu kém. Mặc dù Đảng đã có nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở nhưng quá trình đưa nghị quyết đi vào cuộc sống còn nhiều gian truân. Sức chiến đấu đó không tự giải quyết được cho nên buộc UBKT phải tiến hành kiểm tra.
Ví dụ, vừa qua đã kiểm tra tại một số huyện tại miền Trung, miền Nam và gần đây là huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Tất cả những việc đó nói lên sự quyết tâm của Trung ương phải chống mọi tiêu cực, tham nhũng và những sai phạm đến cùng và phải có chuyển biến ở cấp cơ sở.
Qua đây cũng thấy rằng sức chiến đấu của tổ chức Đảng cấp cơ sở là yếu. Nếu như Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh hay một số tỉnh như Quảng Trị mà chủ động tích cực làm thì đó là điều nằm trong tầm tay của họ nhưng họ không làm cho nên Trung ương phải cử UBKT Trung ương vào cuộc. Đấy là việc làm đúng nguyên tắc theo quy định song qua đó nói lên quyết tâm rất cao của Trung ương là phải giải quyết tại gốc và “đánh động” các tổ chức Đảng ở cơ sở cấp dưới. Từ việc này cũng cho thấy mặt hạn chế, nếu tổ chức Đảng và cơ quan chức năng giúp việc cho tổ chức Đảng ở cấp quận, huyện trên toàn quốc, hay cấp tương đương chủ động “chiến đấu” sẽ giải quyết được các vấn đề trực tiếp vì họ sát cơ sở, sát đảng viên. Họ cứ bỏ qua vậy Trung ương làm sao mà quán xuyến hết được.
Như ông vừa đề cập tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang xảy ra. Chúng ta đã đề cập nhiều lần làm sao để khắc phục tình trạng này song đến nay vẫn còn tồn tại. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã và đang xảy ra. Nhiệm vụ bây giờ phải tiếp tục giải quyết nhiều hơn, tốt hơn, không để xảy ra tình trạng đó nữa. Chấm dứt hẳn thì khó, nhưng phải làm giảm đi. Trung ương cũng đặt vấn đề phải củng cố lại tổ chức, tinh giản bộ máy để hiệu quả, hiệu lực chứ không phải tinh giản để vô hiệu quả. Tức là phải chọn được những đồng chí có năng lực, có đạo đức, nói phải đi đôi với làm, phải gần dân, hiểu dân và lo cho dân.
Đối với những nơi không phát hiện ra sai phạm mà để UBKT Trung ương phát hiện ra thì theo ông những nơi đó phải chịu trách nhiệm như thế nào?
- Những sai phạm của cấp huyện mà cấp tỉnh, thành không giải quyết, để Trung ương phải vào cuộc thì cấp ủy trực tiếp của đơn vị đó phải kiểm điểm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kiểm điểm chung chung thì dễ nhưng kiểm điểm phải ra kiểm điểm. Ai phụ trách huyện này về mặt Đảng? Sai phạm về đất đai thì trách nhiệm của các sở, ban ngành của địa phương thế nào? Phải kiểm điểm ra kiểm điểm để rút kinh nghiệm và sau đó trên cơ sở những sai lầm thiếu sót đưa ra những biện pháp để giải quyết, bổ sung thêm các quy định, trách nhiệm và nhiệm vụ.
Điều quan trọng nhất là mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đều phải tiến hành giám sát và kiểm tra. Vai trò lãnh đạo là của Đảng, còn tổ chức thực hiện là các cơ quan chính quyền. Cho nên phải kiểm tra xem nghị quyết của mình, các quy định của Đảng đến cơ sở như thế nào? Tất cả các tổ chức Đảng phải hoạt động mạnh lên. Ở Trung ương dù có các ban Đảng rồi nhưng lại có Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương để đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, đôn đốc các Đảng bộ của từng cơ quan. Ở bất kỳ các các cơ quan nào, tổ chức Đảng phải hoạt động để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng cơ sở.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay làm sao để nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở cơ sở?
- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng là yêu cầu rất quan trọng và đã thành nghị quyết. Từ nghị quyết của Đại hội cũng như các nghị quyết chuyên đề. Cán bộ là quyết định hết thảy, “một người lo bằng kho người làm”. Phải chọn được đội ngũ bí thư chi bộ, bí thư xã, phường là những người nòng cốt, trong sáng về đạo đức lối sống, đồng thời là người nhiệt tình, thực hiện theo các quy định của Đảng, Nhà nước. Chi bộ phải làm thế nào để đảng viên thấy được trách nhiệm của mình. Làm thế nào để tất cả đảng viên không ai đứng ngoài cuộc, chỉ thích phê phán người khác, phê phán cấp trên nhưng thực tế mình lại không đóng góp gì trong khu vực của mình. Mỗi đảng viên phải là tấm gương trong gia đình của mình. Báo chí cũng phải tuyên truyền để từng đảng viên nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình. Đừng để đảng viên là trên danh nghĩa còn thực tế lại không gương mẫu, thậm chí còn gây rắc rối.
Trân trọng cảm ơn ông!