Xác định mục tiêu xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã “lên dây cót” tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Bình – Tiềm năng, an toàn và khác biệt”.
Phát huy hiệu quả mọi tiềm năng và lợi thế
Quảng Bình là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế, nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Quảng Bình có hệ thống giao thông thuận lợi và đồng bộ, gồm: Đường Quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh Đông và Tây, đường sắt Bắc - Nam và ga Đồng Hới, sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi hàng hóa. Đặc biệt có Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Nà Phàu khoảng 350km.
Với diện tích tự nhiên 8.000 km2, dân số gần 90 vạn người, Quảng Bình có bờ biển dài 116km, độ che phủ rừng trên 67% (đứng thứ 2 toàn quốc) nơi đây vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Điều kiện tự nhiên ưu đãi cho Quảng Bình có một không gian rộng lớn thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế rừng.
Quảng Bình có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam với nhiều bãi tắm sạch, đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Vũng Chùa, Đá Nhảy, Hải Ninh… với nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa tâm linh như: đường Trường Sơn huyền thoại, hang Tám Cô, bến phà Long Đại, Đền Thánh Mẫu... Đặc biệt thứ nhất là Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới có tính đa dạng sinh học cao, có hơn 400 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng trăm triệu năm. Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có suối nước nóng Bang có độ sôi tự nhiên 105°C thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Cùng với việc đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động các sân golf đẳng cấp quốc tế, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và của Đông Nam Á.
Quảng Bình có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông; có Khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình cùng với 8 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch.
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung.
Trong đó, phát huy tối đa, có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế. Phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đặc biệt du lịch biển, nghỉ dưỡng, du lịch hang động, mạo hiểm; các ngành công nghiệp điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế, thân thiện với môi trường; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chất lượng, giá trị, bền vững.
Khai thác tối ưu và hợp lý các di sản văn hóa, thiên nhiên, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Để Quảng Bình phát triển năng động…
Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, Quảng Bình xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ và cam kết sẽ làm hết sức mình, thực sự sát cánh, đồng hành, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Danh mục kêu gọi dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 gồm 62 dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, nông nghiệp 16 dự án; công nghiệp – năng lượng – thương mại 22 dự án; phát triển kết cấu hạ tầng 12 dự án và du lịch 12 dự án. Có một số dự án nổi bật với tổng vốn đầu tư cao như: phát triển chăn nuôi lợn giống, lợn thịt chất lượng cao huyện Lệ Thủy có tổng vốn đầu tư là 10 tỉ đồng/ha (quỹ đất 100 - 200 ha); nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô 2.000 tỉ đồng (công suất 50.000 xe/năm); xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu 2.500 tỉ đồng; điện gió Lệ Thủy 3 - giai đoạn 3 với tổng vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng (công suất 100 MW); xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bang với số vốn 4.000 tỉ đồng... Được biết, nhân dịp hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn FLC sẽ khởi công Tổ hợp khách sạn và Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Quảng Bình với quy mô.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức khởi động 2 dự án động lực của tỉnh, gồm Dự án Đường ven biển - Cầu Nhật Lệ 3 và Dự án mở rộng sân đỗ máy bay sân bay Đồng Hới. Đây là 2 dự án mang ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai các dự án động lực trong các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh gồm năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ thêm: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh lần này tạo động lực để Quảng Bình phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu của điểm đến du lịch hấp dẫn, là vùng đất tiềm năng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và là nơi có lợi thế phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo. Đây cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh của một Quảng Bình tràn đầy nội lực luôn không ngừng nỗ lực, khát vọng vươn lên và là điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn, khác biệt và đáng tin cậy của các nhà đầu tư.