Sự thật về các “thần y tự xưng” đã được phơi bày với nhiều góc khuất tinh vi. Nhưng những “ngôi sao nổi tiếng” tham gia các quảng cáo có nội dung tương tự có thực sự hiểu những gì mình đang quảng cáo?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số, các quảng cáo "thần y" hay "Ba đời nhà tôi bán thuốc..." xuất hiện tần suất dày đặc, dồn dập thời gian qua là do tận dụng cơ chế xét duyệt tự động của quảng cáo online cộng với sự dễ dãi của khâu kiểm duyệt và sự bất chấp của một số đại lý (Agency).
Cũng theo các chuyên gia trong ngành quảng cáo cho biết, khác với các hình thức quảng cáo thông thường, các quảng cáo trên môi trường trực tuyến phần lớn không có ai xét duyệt được nội dung vì bản chất các công ty công nghệ đều đặt văn phòng ở nước ngoài. Chính vì thế việc quản lý các Agency địa phương cũng đang được ví như “nắm kẻ trọc đầu” nên khó mang đến những hiệu quả như mong muốn.
Chi tiền mạnh do siêu lợi nhuận
Qua tìm hiểu, một liệu trình để chữa bệnh theo phương pháp của các “thần y” có giá thành không hề thấp với chi phí dao động trung bình khoảng 3 triệu đồng cho một liệu trình kéo dài từ 2-3 tháng cùng chi phí khám bệnh, chẩn đoán và theo dõi dùng thuốc của người bệnh được thực hiện hoàn toàn… qua điện thoại. Có thể thấy với mức chi phí cao như vậy chỉ cần mỗi ngày các “lương y” tiến hành điều trị cho vài chục hoặc vài trăm người bệnh trên mọi nơi thì lợi nhuận thu được là con số không hề nhỏ nên các “thần y” cũng vô cùng hào phóng chi tiền đầu tư cho các nội dung quảng cáo.
Theo các chuyên gia quảng cáo, với các quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google thực hiện tính năng "đấu thầu" để chọn hiển thị ưu tiên trong dịch vụ quảng cáo. Đây là tính năng cho phép người chạy quảng cáo lựa chọn số tiền mình sẽ trả cho Google khi người xem YouTube "kích chuột" vào video quảng cáo hoặc xem đủ thời gian quy định.
Thông thường, những công ty, cá nhân chạy quảng cáo chuyên nghiệp sẽ biết cách "đấu thầu" số tiền ít nhất nhưng cho hiệu quả cao nhất. Chi phí thông thường phổ biến trong khoảng 100 - 200 đồng cho một lần người xem truy cập hoặc xem đủ thời gian YouTube quy định cho video quảng cáo. Tuy nhiên, những video quảng cáo "thần y", thuốc chữa bệnh nêu trên đã "đấu thầu" cao lên gấp nhiều lần, có thể từ 500 đồng, thậm chí 900 đồng. Do đó, các video này luôn được ưu tiên hiển thị tràn lan.
Và các ngôi sao có đang tiếp tay?
Khi các “thần y tự xưng” nhận được sự phản ứng tiêu cực từ dư luận và có dấu hiệu tạm lắng đi thì sự xuất hiện của các ngôi sao, người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng tham gia quảng cáo các sản phẩm có “hiệu quả tuyệt đối”, “trị dứt điểm”… cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn.
Theo dõi một trang quảng cáo một sản phẩm được giới thiệu là giải pháp toàn diện để “chữa trị” vấn đề mùi cơ thể với sự tư vấn của nam ca sĩ Đ.T. vốn nổi tiếng với mái tóc bổ luống cùng biệt danh "ca sĩ không tuổi".
Xuất hiện trong video chia sẻ, nam ca sĩ cho biết bộ sản phẩm X (gồm viên uống và chai lăn) với tác động kép sẽ “trị dứt điểm” vấn đề mùi cơ thể; và X cũng là sản phẩm đầu tiên và duy nhất trên thế giới(!?) chứa thành phần Nano bạc tác động cả trong lẫn ngoài giúp làm giảm hơn 90% tình trạng mồ hôi và mùi hôi cơ thể sau 1 liệu trình.
Chưa rõ tính “đặc trị” của sản phẩm ra sao, có thực sự chữa trị bệnh hôi nách như nam nghệ sĩ chia sẻ hay không nhưng theo thông tin trên xác nhận nội dung quảng cáo số 2301/2020/XNQC-ATTP ngày 23/07/2020 được Cục An toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm với nội dung, công dụng: “Hỗ trợ cải thiện tình trạng ra nhiều mồ hôi”.
Cô N.T.M. 58 tuổi chia sẻ với phóng viên liên quan đến việc các nghệ sĩ tham gia quảng cáo “thuốc” trên mạng cho biết gần đây cô bắt gặp khá nhiều quảng cáo với nhiều nội dung khác nhau từ “viên uống tiểu đường”, “viên sủi đau dạ dày”,… với sự xuất hiện của Nam diễn viên hài nổi tiếng, là giám đốc một nhà hát nổi tiếng và quen thuộc với khán giả qua các vai diễn táo quân trên sóng truyền hình từ các năm 2005 đến nay.
Điểm chung của các video này nam diễn viên đều chia sẻ về vấn đề bệnh lý của bản thân và sản phẩm đã phát huy hiệu quả như thế nào trong quá trình sử dụng; và trong đó không ít các trường hợp nam diễn viên đề cập về hiệu quả của sản phẩm một cách “thần kỳ”.
Trong một video giới thiệu về sản phẩm “viên sủi Y” nam diễn viên nói, đây là “viên sủi trị viêm họng số 01 Việt Nam, chắc chắn thế” và sản phẩm ứng dụng công nghệ từ Nhật Bản có công dụng “gấp 300 lần” so với các sản phẩm thông thường.
Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn "chữa khỏi", là "giải pháp hoàn hảo", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh"... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật. Vậy liệu những ngôi sao, người nổi tiếng đang tham gia các quảng cáo với nội dung như trên có phải chịu trách nhiệm trên những nội dung mình đã tham gia quảng cáo?