Văn hóa

Quảng Nam: Bảo tồn các giá trị cảnh quan, bản sắc văn hóa tốt đẹp

Tấn Thành - Chí Đại 10/12/2024 10:23

Sáng 10/12, tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai.

HOI NGHI 1
Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, Khu vực nông thôn sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị, đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống và cộng đồng địa phương đầy bản sắc. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) khu vực nông thôn.

UN Tourism cũng đã triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn”, nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn; thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc định giá và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, các giá trị địa phương. Chương trình cũng nhằm mục đích thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và biến đổi để phát triển du lịch ở các điểm đến nông thôn góp phần vào ba trụ cột bền vững - kinh tế, xã hội và môi trường - phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Ông Hồ An Phong nói thêm, những năm qua, Việt Nam cũng đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.

Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ trong việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành “vùng quê đáng sống”. Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển KTXH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị”, ông Hồ An Phong nói.

HOI NGHI 2
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Quảng Nam, một mảnh đất có bề dày truyền thống, lịch sử, văn hóa, vùng đất “ngũ phụng tề phi” với 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn; có khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; có Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có nghề trồng rau Trà Quế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;…

Cạnh đó, Quảng Nam nằm ở trung điểm của Việt Nam, cửa ngõ kết nối với các nước trong Tiểu vùng Mê Công và ASEAN, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng với lợi thế về kết nối giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không với các nước trong khu vực. Quảng Nam thực sự là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

HOI NGHI 3
Quang cảnh Hội nghị.

Du lịch nông nghiệp - nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh. Hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng, TP Hội An. Nổi trội nhất là điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, TP Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách. Ngày 14/11/2024 tại Colombia, Quảng Nam vui mừng và vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc công nhận Làng rau Trà Quế là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024.

HOI NGHI 5
Các nghệ nhân trình diễn nghề đan lát truyền thống của Việt Nam.

Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.

Hội nghị thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.

HOI NGHI 4
Du khách đến tham quan Làng rau Trà Quế (làng được công nhận Làng Du lịch tốt nhất năm 2024).

Đến nay, UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất với 354 thành viên, gồm các làng du lịch nhận giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất qua 4 năm tổ chức giải thưởng (2021-2024) và các làng được tham gia vào Chương trình nâng cấp.

Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism: Làng Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên năm 2022, Làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình năm 2023 và Làng rau Trà Quế, tỉnh Quảng Nam năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Bảo tồn các giá trị cảnh quan, bản sắc văn hóa tốt đẹp