Tại Quảng Nam năm nay cây ươi bay được mùa, cho nhiều quả, do đó mỗi ngày hàng trăm lượt người dân vào rừng khai thác. Điều đáng nói có những người khai thác với cách hủy diệt là triệt hạ cây ươi ngã xuống để thu trái.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cây ươi phân bố ở một số huyện miền núi như Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My…
Đây là loại cây rừng có giá trị kinh tế cao, vì quả ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát rất được thị trường ưa chuộng. Ươi càng có giá trị vì khoảng 4 năm mới cho trái chín 1 lần.
Gọi ươi bay, vì đến kỳ trái chín hạt ươi không rụng trực tiếp xuống gốc, mà thường nhờ gió mang đi phát tán. Cây ươi ở càng cao thì hạt được gió mang đi càng xa. Những năm gần đây hạt ươi rất có giá kinh tế, có thời điểm giá từ 300.000 đồng đến 500.000/kg. Nếu thương lái thu mua để sau mùa ươi bán lại có thể lên đến tiền triệu 1 kg.
Việc thu hái trái ươi bay đã giúp cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong những năm qua việc khai thác ươi bay chưa được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
Do đó thay vì khi ươi chín bay xuống đất mới thu lượm, thì có một số người chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả. Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (BQL) Đinh Văn Hồng cho biết, trong lâm phận Vườn quốc gia, cây ươi đang cho quả với số lượng rất nhiều.
BQL đã có công văn yêu cầu các Tổ Bảo vệ rừng trực thuộc rà soát, thống kê những khu vực phân bố cây ươi để có biện pháp bảo vệ; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác ươi trái phép.
BQL cũng đã phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ cây ươi; giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi để từ đó có sự đồng thuận trong công tác bảo vệ.
Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức thu lượm hạt ươi bay, điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký thu lượm hạt ươi; nghiêm cấm người dân thu hái hạt ươi xanh, nghiêm cấm đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng đặc dụng để khai thác, chặt hạ cây ươi.
“Hiện nay công tác bảo vệ, nhân rộng và phát triển cây ươi bản địa đã được lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh triển khai tại các cuộc họp, bằng hình thức thu mua hạt ươi bay của người dân thu lượm đêm về ươm giống và cấp lại cho người dân để trồng, phát triển và và bảo vệ rừng ươi” - ông Hồng cho biết.
Thời gian qua chính quyền các huyện như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My,… đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý, tuyên truyền, chốt chặn, tuần tra, bảo vệ những khu vực có cây ươi. Thông báo cho các thôn, tổ rà soát khu vực rừng có cây ươi để đăng ký khu vực thu lượm hạt; người dân phải cam kết không được cưa, chặt hạ cây ươi...
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình rừng núi phức tạp nên việc quản lý các đối tượng từ nơi khác đến khai thác ươi chưa được triệt để. Trong đó đã xảy ra tình trạng người dân chặt hạ ươi để lấy quả. Một số đối tượng đã bị bắt quả tang, bị khởi tố.
“Khu vực cây ươi bị đón hạ là khu vực rừng đặc dụng, thuộc lâm phậm Vườn quốc gia Sông Thanh. Hiện Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, chuyển hồ sơ cho Công an và Viện kiểm sát huyện Phước Sơn để tiếp tục thực hiện các bước theo quy định pháp luật” - ông Hồng nói.
Mới đây, ngày 23/6, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản số 3757-UBND/KTN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và quản lý người dân trên địa bàn thực hiện thu hái, kinh doanh quả ươi và các loại lâm sản ngoài gỗ khác theo đúng quy định…