Hàng nghìn khối cát trắng dọc tuyến đường 129, đoạn chạy qua địa phận TP Tam Kỳ và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bị cát tặc khai thác trái phép. Lợi dụng tình hình mưa lũ, vấn nạn này lại bùng phát. Vậy các cấp chính quyền ở đâu khi cát tặc lộng hành như chốn không người?
Những ngày qua, chúng tôi đi dọc theo tuyến đường chiến lược ven biển 129, thuộc địa phận nói trên, ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép dọc tuyến đường này ngày càng nguy hiểm. Nhiều đồi cát trắng bị cày xới, khoét sâu vào bên trong để lộ ra những bờ vực cao.
Những hầm hố sâu đến hàng mét, cách tuyến đường 129 khoảng 15-50 m, dấu xe còn mới rợi đan xen với nhau, chứng tỏ sự khai thác cát trái phép này diễn ra liên tục. Có những hố với độ sâu khoảng 3 đến 4m, rộng đến hàng chục mét. Có những hố vết xúc cát còn mới và được lót lốp xe cũ để xe tải khỏi sa lầy. Ước tính khối lượng cát bị lấy đi lên đến hàng nghìn mét khối trong thời gian qua.
Nhiều người dân xã Tam Thăng phản ánh, tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm qua, người dân thấy đó nhưng không thể cản ngăn nổi. Còn vì sao nó tồn tại lâu dài thì họ bó tay.
Anh Nguyễn Văn Th., trú thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú thường chăn thả bò ở dọc tuyến đường 129 cho biết: “Người dân lấy cát về đổ móng làm nhà hay xây dựng các công trình mưu sinh nhỏ lẻ chúng tôi không nói. Đằng này họ đưa xe tải lấy cát để đem đi bán. Tài nguyên khoáng sản mất đi rất nhiều, nhưng vấn nạn này cứ tồn tại mãi mà chẳng biết vì sao”.
Còn bà Nguyễn Thị H, cùng xã cũng cho biết: “Cứ vào ban đêm, dọc tuyến đường 129, ở thôn Thạnh Tân, thôn Kim Đới thuộc xã Tam Thăng và khu giáp ranh với thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú, nhiều người lấy xe bò, xe lôi, xe tải xúc trộm cát trắng đem đi bán. Cả hàng ngàn khối cát, chứ que tăm gì mà chính quyền không biết”.
Theo bà Dương Thị A., ở xã Tam Thăng, khu vực bị trộm cát nằm gần sát rừng phòng hộ đã gây ra sạt lở nhiều nơi rất nguy hiểm. Tình trạng này uy hiếp con đường 129 được đầu tư nghìn tỷ đồng. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị lên cơ quan chức năng.Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Ghi nhận của chúng tôi, dọc đường 129, đoạn xã Tam Thăng giáp ranh với xã Tam Phú nhiều điểm khai thác cát ăn sâu vào rừng phòng hộ, có chỗ hơn 20m. Các điểm này tạo thành một bờ vực cao hơn 3 đến trên 4 mét, gây ra sạt lở, cây cối ngã đổ. Nhiều chỗ còn xúc luôn cả cây trồng của rừng này.
Thiếu tá Trần Thanh Trường, Trưởng Công an xã Tam Thăng cho biết, việc khai thác cát trái phép dọc tuyến đường 129 ở địa phương đã diễn ra trong thời gian qua. Do lực lượng mỏng, địa hình lại giáp ranh với nhiều xã như Tam Phú, TP Tam Kỳ, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình và diễn ra vào ban đêm nên cũng gây khó khăn trong công tác truy đuổi, xử phạt phương tiện.
“Tuy vậy, Công an địa phương đã từng bắt quả tang và lập biên bản xử phạt hành chính. Thời gian tới Công an xã sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để chấm dứt tình trạng lén lút khai thác cát trái phép”- ông Thăng nói.
Còn ông Trần Văn Trí, cán bộ địa chính xã Tam Phú cho rằng, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép ở dọc tuyến đường 129. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hộ dân xúc cát chở về nhà đổ móng nhà hoặc làm việc khác nên cũng khó xử lý triệt để.
Đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho rằng: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, lực lượng công an các xã đã bắt được hơn 20 vụ trộm cát dọc tuyến đường này, nhưng chủ yếu là người dân sử dụng xe lôi, xe ba gác xúc trộm. Đơn vị sẽ phối hợp các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để chấm dứt tình trạng trộm cát trái phép”.
Thực tế không chỉ người dân lấy cát làm các công trình nhỏ lẻ mà cát tặc còn dùng cả xe tải khai thác cát trái phép. Dọc theo tuyến đường 129 qua địa phận Quảng Nam, những năm qua tình trạng này diễn ra liên tục, với nhiều phương tiện, nhiều người.
Thế nhưng rất lạ, người dân kiến nghị, báo chí phản ánh nhiều lần tình trạng này vẫn cứ tồn tại.