Một số tiểu thương chợ truyền thống tại Quảng Nam cho biết, năm nay kinh tế khó khăn, cộng với nhiều loại hình kinh doanh buôn bán... dẫn đến tình trạng chợ truyền thống giảm lượng khách đến mua hàng.
Sáng ngày 5/2, dạo qua một số chợ truyền thống ở Quảng Nam, PV ghi nhận, dù là ngày cận Tết Nguyên đán nhưng hoạt động kinh doanh, mua bán tại các chợ này vẫn có sức mua chậm, thậm chí có nhiều quầy rất vắng khách. Nhưng việc mua bán vẫn được duy trì và tiểu thương tin tưởng những ngày sát Tết vẫn bán được hàng.
Chị Huỳnh Thị Đào, tiểu thương bán ở chợ Tam Kỳ cho hay, những năm trước vào thời điểm này người dân đến chợ mua bán hàng hóa diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi. Thậm chí người dân còn phải chen lấn, vất vả mới mua được hàng đem về nhà. Thế nhưng năm nay, không khí mua sắm không còn sôi động.
“Tôi bán giày dép, mũ nhưng từ ngày 1/2 đến nay mỗi ngày chỉ bán được vài đôi dép, trung bình một đôi dép từ 70.000 đến 150.000 đồng. Nguyên nhân tình trạng sức mua giảm, theo tôi nghĩ do hiện nay người dân chủ yếu mua hàng qua mạng xã hội, giá thành lại rẻ, tiện hơn vì được ship đến tận nơi”, chị Đào nói.
Tại chợ Tam Kỳ của TP Tam Kỳ; chợ Tam Dân, ở huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), không khí mua sắm vẫn diễn ra nhưng không được sôi động. Các ki ốt bày bán quần áo, bánh mứt, đồ trang trí Tết rất phong phú, đa dạng, được trưng bày ở những vị trí mặt tiền của chợ cũng chưa lôi cuốn đông đúc người mua.
Chị Huỳnh Thị Ánh Dương, bán bánh kẹo ở chợ Tam Dân chia sẻ: “Để chuẩn bị bán hàng Tết Nguyên đán năm 2024, tôi đã lấy nhiều loại mặt bánh kẹo như: Hạt dưa 70.000 đồng/kg, bánh đậu xanh 25.000 đồng, thạch rau câu 15.000 đồng/bao, bánh mít sấy khô 45.000 đồng/bao, bánh dừa 20.000 đồng/bao. Thế nhưng đến nay hàng hóa tiêu thụ còn chậm, tôi trông chờ những ngày sát Tết sẽ bán được hàng.”
Đa số tiểu thương ở chợ truyền thống cho rằng, những ngày qua, số lượng người dân đến mua sắm Tết không nhiều, trung bình mỗi ngày mỗi quầy chỉ bán được doanh thu từ 1 đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, thời điểm này năm 2023, mỗi ngày ít nhất mỗi quầy hàng, ki ốt bán bánh kẹo được 4 đến 5 triệu đồng. Bà con hy vọng những ngày cuối tuần, cận Tết khi cán bộ công chức được nghỉ Tết, người dân làm ăn ở xa về quê thì lượng khách đến chợ tham quan mua sắm đông hơn.
Chợ truyền thống không còn sôi động như xưa là do hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như: Các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, giá thành lại rẻ hơn mà giao hàng tận nơi, khiến chợ truyền thống tranh cạnh không lại.
Bà Vũ Thị Thanh Nga, Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết: “Năm nay kinh tế khó khăn và cộng với nhiều loại hình kinh doanh buôn bán trên mạng dẫn đến tình trạng chợ truyền thống giảm lượng khách đến mua hàng. Nhưng chúng tôi tin tưởng những ngày sát Tết, sức mua bán tại chợ sẽ sôi động, nhộn nhịp hơn, bởi thời điểm này cán bộ, người lao động được nghỉ Tết, công nhân làm ăn ở xa về quê sẽ đến chợ mua sắm đồ đạc để chuẩn bị Tết Nguyên đán năm 2024”.
Chiều 5/2, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sức mua năm nay ở các chợ truyền thống không bằng năm ngoái. Tuy nhiên về số liệu, chúng tôi đang chờ các địa phương trong tỉnh báo cáo về nên giờ chưa có con số thông kế cụ thể”.