Sau 10 tháng triển khai thực hiện Dự án tu bổ Chùa Cầu ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), đến nay dự án này đã hoàn thành xong công việc gia cố phần móng, hạ giải công trình. Đồng thời các chuyên gia đã có buổi khảo sát thực tế để đưa các biện pháp quan trọng cho cuộc trùng tu Chùa Cầu này.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa (QLBT DSVH) Hội An, Chùa Cầu được người Nhật dựng xây ở phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ 17. Trải qua 4 thế kỷ, Chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ Hội An nằm bên dòng sông Hoài. Tuy nhiên, trước sự tác động thiên tai lẫn con người nên di tích này dần xuống cấp. Cụ thể, ở phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa...
Trước thực trạng xuống cấp trên, tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu. Dự án được khởi công hồi cuối tháng 12/2022 do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm QLBT DSVH Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Với tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An 50%, dự án dự kiến được thi công trong 360 ngày.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Dự án tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ di tích bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm,… Trong quá trình tu bổ cũng đã tiến hành lắp đặt nhà bao che vừa bảo quản di tích, bảo vệ công trình và phục vụ công tác thi công, đảm bảo giao thông qua lại.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sau 10 tháng thi công tu bổ, đến nay dự án đã hoàn thành xong việc hạ giải công trình, gia cố phần móng và chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất của dự án là đưa ra giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu đảm bảo theo quan điểm, nguyên tắc trùng tu.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong thời gian thực hiện công tác trùng tu, Chùa Cầu vẫn thu hút lượng lớn du khách tham quan với những hình ảnh được trưng bày ngay tại nơi đang được khoanh vùng để thực hiện công tác tu bổ.
Liên quan vấn đề này, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về tu bổ di tích Chùa Cầu. Chương trình này đã thu hút gần 70 đại biểu, các chuyên gia với nhiều ý kiến đóng góp quý báu đối với công tác tu bổ di tích đặc biệt này.
Tại đây, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: “Chúng tôi ủng hộ tinh thần của Hội An. Đối với di tích kiến trúc gỗ mà chỉ khảo sát nhìn thôi, không hạ giải xuống đôi khi không phát hiện hết “bệnh”. Và rõ ràng khi hạ giải rồi thì sẽ kỹ càng hơn so với chúng ta chỉ “khám bệnh” ở bên ngoài, vậy thì chắc chắn những vấn đề phát sinh sẽ không tránh khỏi được. Và đã phát sinh rồi thì sẽ có cả những phát sinh về giá, số lượng vật liệu,… Nhưng chúng ta phải chấp nhận nếu muốn công trình trùng tu kiến trúc gỗ vừa đạt được sự bền vững lại thực hiện được công năng ban đầu và có tính thẩm mỹ”.
PGS.TS Đặng Văn Bài còn cho rằng: “Đối với kiến trúc gỗ, kiến trúc cổ không có một công thức vạn năng mà phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ta giữ tối đa yếu tố nguyên gốc, ta giữ phần bổ sung sau này nếu nó làm gia tăng giá trị di tích, nhưng sẽ tước phần bổ sung sau này nếu làm suy giảm giá trị di tích”.
Theo ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, những vấn đề bàn thảo tại tọa đàm được phát hiện ra trong quá trình đối diện thực tế hạ giải nhằm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất để thực hiện công tác tu bổ. Cũng đã được trù liệu trong quá trình xây dựng các nội dung thiết kế, khi thiết kế đưa ra những giải pháp chuẩn cơ sở. Đối với di tích Chùa Cầu, việc hạ giải giúp chúng ta có được điều kiện nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng, các vấn đề trù liệu bộc lộ rõ hơn.
Ông Đặng Khánh Ngọc cho biết, vấn đề đáng lo trong công tác tu bổ di tích Chùa Cầu hiện nay là hệ thống nền móng và các hệ thống kết cấu đỡ sàn vì đây là hệ thống cơ bản nhất giúp cho công trình ổn định và đảm bảo, giữ cho phần thượng tầng kiến trúc bên trên đứng vững và phải được thực hiện cho đúng sơ đồ làm việc theo nguyên lý. Vì chỉ có như thế mới giữ được bộ khung cấu trúc của các kiến trúc bền vững theo thời gian, kéo dài được tuổi thọ của tất cả các cấu kiện - hầu như hiện giờ các cấu kiện đều đã có tuổi, có tật, có sự xuống cấp của thời gian, tác động của thiên nhiên, con người,… Vấn đề quan trọng cần tham vấn chính là xử lý tu bổ hay là thay thế các cấu kiện hệ thống dầm sàn, sàn chùa và sàn cầu.