Ngày 10/4, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, đã có báo cáo ban đầu liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng và khai thác động vật quý hiếm tại khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh. Nhưng những nguyên do phá rừng mà hạt này nêu ra thì hết sức vô lý.
Thân gỗ cổ thụ bị triệt hạ còn nằm lại hiện trường.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng (RĐD) Sông Thanh phối hợp với BQL Khu BTTN Sông Thanh, UBND xã Tà Bhing, Đồn biên phòng Đắc Pring, do ông Phạm Hữu Nghĩa chức vụ Phó giám đốc BQL Khu BTTN Sông Thanh làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra hiện trường mà báo chí đã phản ánh.
Tổ công tác đã sử dụng bản đồ quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định số 120/QĐ-UBND, ngày 11/1/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành; máy định vị GPSMAP 64S, La bàn, máy ảnh, thước đo, sơn xịt đầu cây… để tiến hành kiểm tra.
Qua xác định của tổ kiểm tra: “Toàn bộ số cây gỗ bị đón tại hiện trường thuộc các khoảnh 4,5 và khoảnh 7 Tiểu khu 309, thuộc địa bàn thôn Pà Xua, Pà Rồng thuộc xã Tà Bhing huyện Nam Giang. Tổ công tác đang tiến hành kiểm tra đo đếm và lập biên bản, tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật’.
Riêng về việc săn bắn cá thể Vooc Chà vá chân xám, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã có công văn số: 34/ CV- HKL ngày 9/4 gửi Công an Huyện Nam Giang xác minh và đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã Tà Bhing xác minh các đối tượng khai thác, săn bắn động vật như báo đã nêu.
La liệt gỗ tại hiện trường.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cũng cho biết, trong năm 2017 Hạt kiểm lâm đã phối hợp với BQL Khu BTTN Sông Thanh tổ chức 6 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các Tiểu khu 304, 305, 306, 307, 308 và 309 trong đó phát hiện phá hủy 5 lán trại và 100 dây cáp và một số dụng cụ khác phục vụ như: dao, rựa, xăng... đã phát hiện và lập biên bản 15 gốc bị chặt hạ trái phép tại hiện trường và trên 100 m3 gỗ xẻ trên dọc tuyến Sông Thanh;
Đặc biệt thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 10/1 của UBND tỉnh Quảng Nam Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh đã phối hợp với BQL Khu BTTN Sông Thanh đã xây dựng và tổ chức triển khai 18 kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét trong lâm phận quản lý kết quả phát hiện và lập biên bản 42 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm về động vật rừng có dấu hiệu hình sự. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã ra quyết định trưng cầu giám định, tới nay đã có kết quả 1 vụ, đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm soát huyện Nam Giang khởi tố theo quy định của pháp luật. 1 vụ đang chờ kết quả giám định, tịch thu và tạm giữ 20 m3 gỗ, 400 kg sản phẩm động vật rừng.
Một góc hiện trường phá rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Theo nhận định của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, về tình trạng khai thác gỗ diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Nam Giang nói chung và địa bàn quản lý của BQL Khu BTTN Sông Thanh nói riêng trong thời gian gần đây có một số nguyên nhân, trong đó: “Do 2 nước Lào và Campuchia hiện đã có chủ trương đóng cửa rừng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nhập khẩu cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, trang trí nội thất của người dân còn rất cao. Bên cạnh đó, việc sắp mở rộng Quốc lộ 14D từ Cầu Bến Giằng đi cửa khẩu Đắc Ốc càng tăng nhu cầu làm nhà tại các xã Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơ, Chà Val, La Dê là;…”
Đây là lý do hết sức vô lý mà Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đưa ra, biện hộ cho việc để rừng bị tàn phá không thương tiếc. Chức năng của kiểm lâm là bảo vệ rừng, khi nước bạn đóng cửa rừng thì ta để phá rừng sao? Nhu cầu làm nhà tăng cao thì rừng bị phá, chức năng của kiểm lâm ở đâu?
Trước đó, Đại Đoàn Kết đã đăng bài “Tan nát khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh” (số ra ngày 9/4), phản ánh về tình hình tàn phá rừng đặc dụng Sông Thanh).