Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mô hình “Đoàn xung kích thoát nghèo” đã khơi dậy sức trẻ của đoàn viên thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức trẻ, mô hình này đã thật sự đem lại hiệu quả.
Theo đó lực lượng trẻ nói trên vào những ngày cuối tuần họ gác lại chuyện gia đình, với chiếc xe máy và ba lô trên vai, họ đến những điểm thôn khó khăn nhất của huyện để bằng nhiều cách giúp người dân thoát nghèo.
Càng đáng nói, mô hình “Đoàn xung kích thoát nghèo” đã thật sự đem lại hiệu quả. Nói như chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Huyện đoàn: “Đó là những mô hình rất nhân văn của thanh niên trong việc xung kích thoát nghèo, và giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống để cùng nhau thoát nghèo”.
Mô hình này với nhiều cách thức từ cùng nhau làm đường giao thông đến giúp nhau dựng nhà, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách tiêu thụ sản phẩm,... Như tại Nóc Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, khi làm đường giao thông nông thôn, mặc dù là những ngày nghỉ cuối tuần, song không khí làm đường giao thông vẫn diễn ra khá tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Kim Miết quê ở miền xuôi lên công tác ở huyện Nam Trà My cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn trong giao thông đi lại của bà con Xê Đăng ở đây, nên hơn 40 đoàn viên thanh niên tạm gác đi những ngày nghỉ bên người thân, gia đình mà tình nguyện ở lại góp thêm một ít công sức để hoàn thành con đường bê tông hóa này”.
Anh Nguyễn Văn Lướn, nóc Long Túc, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My cho rằng: “Là một đoàn viên thì phải làm một cái gì đó để góp phần cho người dân có con đường đi lại, vận chuyển nông sản, để các em có một con đường mới để tới trường, không phải lo mưa lũ khi qua những con khe, con suối. Vì nghĩ vậy nên các đoàn viên thanh viên đã hăng hái đi làm đường bê tông, tham gia các đợt tình nguyện cũng nhằm giúp cho người dân nơi đây có thêm động lực, nâng cao ý thức vươn lên thoát cái nghèo, cái khó”.
Theo đó, qua triển khai các hoạt động giúp dân thì UBND các xã và bà con đều hưởng ứng nhiệt tình. Như việc làm đường ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con và thanh niên trong thôn gùi cõng cát sỏi, xi măng, họ làm với tất cả nhiệt huyết cũng như tinh thần của đoàn viên Chi đoàn chính quyền lên đây.
Càng đáng nói không chỉ giúp dân làm đường giao thông, dựng nhà, mà trong các đợt xung kích vì cộng đồng, các bạn đoàn viên thanh niên còn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng cho người dân nơi tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường cùng nhau phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Kim Miết nói: “Bà con ở đây đều rất nhiệt tình tham gia các đợt tình nguyện của đoàn viên, thanh niên. Vì thế, hiện nay đã có đường bê tông như thế này bà con đi rất là thuận tiện. Những việc làm của đoàn xung kích, đội xung kích đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi dần cuộc sống vốn rất khó khăn của bà con Xê đăng, Ca dong ở huyện nghèo 30a Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Huyện đoàn cho rằng: “Các mô hình giúp nhau thoát nghèo đều có chung cách làm, đó là Bí thư đoàn xã, thôn sẽ là đầu mối phát động những thanh niên cùng thôn, nóc sẽ góp sức, như về trồng sâm thì người góp cây con giống, người góp tiền, người góp công,... Tất cả lập thành chốt cùng nhau chăm sóc, bảo vệ. Thành quả đạt được sẽ chia theo mức đóng góp. Trong đó trích lại 1 phần hỗ trợ các thanh niên khó khăn hơn trong chốt để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo quỹ chung để thăm hỏi, động viên những gia đình tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn, còn về đường giao thông nông thôn thì cùng nhau thích cực tham gia nên thật sự đem lại hiệu quả”.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay: “Từ khi triển khai đội xung kích thoát nghèo thì tôi thấy đội này hoạt động rất hiệu quả, chủ yếu vào những ngày ngoài giờ, thứ 7, Chủ nhật. Có thể nói những thanh niên là cán bộ công chức, viên chức ở huyện đã phát huy được sức trẻ, có nhiều cách làm hay, hiệu quả để giúp cho nhân dân các xã khó khăn”.
Đây không phải là lần đầu huyện miền núi Nam Trà My triển khai mô hình giúp nhau thoát nghèo mà trước đó vào năm 2016, huyện này đã có sáng kiến phát động phong trào “3 cán bộ, công chức giúp một hộ nghèo” và đã có 507 hộ thoát nghèo bền vững. Còn mô hình “Đoàn xung kích thoát nghèo” ra đời năm 2017 đến nay đã giúp cho nhiều hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo là một minh chứng rõ nét cho một chủ trương, một cách làm hoàn toàn mới song rất hiệu quả của huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Sẽ có thêm nhiều con đường bê tông vững chãi, khang trang nối dài về thôn bản cùng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả ở huyện nghèo Nam Trà My. Bởi ở đó có những thanh niên xung kích, tình nguyện bám bản, bám dân giúp đỡ họ cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Mồ hôi dẫu có thấm đẫm áo anh nhưng ở vùng cao Nam Trà My chúng tôi như thấy được sức sống mới, tươi sắc hơn.