Trưa 17/10, chúng tôi có mặt tại thôn Tân An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, nhiều người thân, hàng xóm đang lo lắng cho số phận những ngư dân mất tích. Trong khi đó Sở Chỉ huy tiền phương đã được thành lập tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban đang túc trực để chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân.
Chuyến ra khơi bất trắc
Từ khi nhận thông tin 14 thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS bị mất tích trên vùng biển Trường Sa, người thân các thuyền viên bồn chồn, lo lắng và ngóng chờ tin tức từng giờ. Trong nhà của gia đình các nạn nhân, đông đủ người thân, bà con hàng xóm tập trung để động viên, an ủi.
Chị Đinh Thị Bích Thủy (vợ thuyền viên Đỗ Văn Hải trên tàu cá QNa 90129 TS) nghe tin chồng gặp nạn trên biển đã ngất xỉu liên tục, khuôn mặt bồn chồn lo lắng. Chị Thủy tâm sự: “Nghe tin chồng gặp nạn trên biển tôi rất lo lắng, không biết tình hình sức khỏe anh Hải bây giờ ra sao. Mới đây nhận tin báo về đã vớt được anh Hải lên bờ nhưng tình hình sức khỏe rất yếu tôi lo lắng quá".
Gia đình chị Thủy có 5 người, trong đó 3 người con còn nhỏ. anh Hải là trụ cột của gia đình đi làm thuê trên biển để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều người đến chia sẻ với gia đình anh chị, mong sao các cấp ngành quan tâm sớm đưa các thuyền viên gặp nạn trên biển về đến đất liền an toàn.
Chị Thủy tâm tư, để chuẩn bị cho chuyến biển này, chồng chị đã bỏ ra 10 triệu đồng để lo sắm thực phẩm, lương thực. Nếu chuyến biển suôn sẻ thì khi cập bến bán hải sản, chủ tàu chia theo sản lượng mực mà mình câu được. Trung bình mỗi chuyến biển mỗi thuyền viên có thể thu nhập hơn 50 triệu đồng, nhưng cũng vì thế phải giá tính mạng vì bươn chải giữa biển khơi đầy bất trắc.
Trong khi đó, ngồi khóc bên hiên nhà, hai đôi mắt đỏ hoe, bà Đỗ Thị Hồng, chị ruột của anh Hải nói: “Sáng nay tôi nghe tin em ruột mình gặp nạn trên biển, tôi bỏ công ăn việc làm ngồi ngóng tin tức ở ngoài biển báo về. Đến gần trưa thì tôi nghe đã vớt được em trai tôi lên tàu nhưng tình hình sức khỏe rất yếu. Tôi lo thời tiết lạnh, em tôi không qua khỏi. Em trai tôi rất hiền hành, chăm chỉ làm ăn và rất thương vợ con. Tôi mong sao em trai tôi được bình an vô sự”.
Cách đó không xa là ngôi nhà của chủ tàu cá QNa 90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên (47 tuổi), ở xã Tam Giang. Tại đây, bà Thuận, vợ của ngư dân Viên cho biết, chiều 16/10, chồng bà có gọi về nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe gia đình, bà có hỏi chồng mình tình hình thời tiết ngoài đó ra sao, thì chồng bà nói, có mưa nhưng không có gió lớn, việc đánh bắt hải sản vẫn diễn ra bình thường. Thế nhưng đến sáng 17/10 thì bà nhận được thông tin tàu cá chồng gặp nạn, bà vô cùng lo sợ.
"Chuyến biển này tàu tôi mới vươn khơi được hơn 10 ngày thì xảy ra gặp nạn, đây là chuyến biển cuối cùng trong năm của tàu cá tôi. Khi nhận tin tàu gặp nạn do lo sợ quá tôi ngất xỉu. Không chỉ chồng tôi mà có đến 14 thuyền viên mất tích, tôi rất lo lắng cho sức khỏe cho họ. Tôi mong sao các thuyền viên gặp nạn này được cứu vớt đưa về bờ an toàn”, bà Thuận nói.
Sau một lúc ngồi thẫn thờ, bà Giận nói tiếp: “Giờ đây tôi chỉ mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ điều tàu cùng lực lượng chức năng ra ứng cứu đưa chồng tôi cùng các thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS vào bờ an toàn, đó là niềm mong muốn lớn nhất của tôi”.
Bà Trần Thị Diệp là hàng xóm của chủ tàu cá QNa 90129 TS nói: “Tôi rất lo lắng, chia sẻ sự cố không may với người thân của các gia đình thuyền viên. Đồng thời mong muốn các thuyền viên được an tâm, bình an”. Đó cũng là tâm tư của những người dân có mặt ở đây.
Nỗ lực cứu ngư dân
Ngay trong sáng nay, Sở Chỉ huy tiền phương đã được thành lập tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh làm Trưởng ban, có sự tham gia của các lực lượng Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Nam, đến 11h trưa nay, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu thêm được 2 thuyền viên là Đỗ Văn Hảo và Đặng Minh Vương (trú xã Tam Giang), hiện sức khỏe của các thuyền viên này khá yếu. Tổng số người đã cứu hộ thành công là 80 người, trong đó 2 người đã chết. Hiện nay, khu vực 2 tàu cá bị nạn đang có sóng cấp 5. Ngoài việc điều tàu của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các tàu cá gần khu vực này cũng tham gia tìm kiếm ngư dân mất tích.
Hiện nay tàu CSB 8002 của Vùng cảnh sát biển đã di chuyển ra cứu nạn tàu QNa-90129 TS, các tàu của Vùng 4 hải quân từ đảo Song Tử Tây, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực đã di chuyển. Dự kiến các tàu này sẽ đến khu vực tàu cá bị nạn vào lúc 23h đêm nay.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết: “Lực lượng chức năng cứu vớt được 3 ngư dân trên tàu cá QNa 90129TS, là Lương Hùng V. (38 tuổi), Đỗ Văn H. (45 tuổi), Đặng M. V. (35 tuổi), cùng ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Tuy nhiên do sức khỏe yếu ngư dân H. và ngư dân Lương Hùng V. đã tử vong. Hiện tại lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, cứu vớt các ngư dân còn lại gặp nạn trên biển”.
Tại Sở chỉ huy tiền phương, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng để nắm bắt, chỉ đạo khẩn cấp yêu cầu các lực lượng khẩn trương cơ động đến các khu vực tàu bị nạn để ứng cứu. Chúng tôi cũng đã đề nghị các ngư dân Quảng Nam đánh bắt gần đó phối hợp tìm kiếm các nạn nhân. Hiện nay tình hình sóng khu vực này không quá phức tạp nhưng vẫn gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm. Chính vì thế, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng khác có liên quan và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn khẩn trương giúp đỡ cứu nạn các ngư dân mất tích trên biển”.
Liên quan vấn đề này, sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký Công văn số 7065 gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn ngư dân Quảng Nam mất tích trên biển. “Để kịp thời cứu nạn ngư dân mất tích, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quan tâm chỉ đạo các lực lượng có liên quan hỗ trợ tìm kiếm”, trích công văn số 7065.