Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chiều 10/8, khi đi thị sát tại mỏ vàng Bồng Miêu và làm việc với UBND huyện Phú Ninh.
Điểm nóng Bồng Miêu
Tháp từng ông Thanh đi chuyến này có cả ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh cùng một số cán bộ tỉnh, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại nhiều nơi ở khu vực mỏ vàng, như khu vực Lò 6, bãi thải và sau đó có buổi làm việc với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh báo cáo, thời gian gần đây, tình trạng khai thác vàng không phép trên địa bàn tiếp tục diễn phức tạp, nhất là khu vực Thác Trắng và Suối Tre, Núi Kẽm, Đồi Sim, khu vực giáp ranh xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước;… Ngoài ra, một bộ phận người dân không thực hiện đúng quy định về đất trồng cây lâm nghiệp mà sử dụng đất để khai thác vàng không phép.
Cũng theo ông Vinh, chính quyền xã đã tổ chức truy quét liên tục, tuy nhiên chưa ngăn chặn triệt để được tình trạng này. Nguyên do, ở những khu vực khai thác vàng trái phép có địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, hay vàng tặc khai thác vàng trong các hầm lò nhiều ngọc ngách rất khó cho việc truy quét, đẩy đuổi.
Thượng tá Trần Thế Hùng, Trưởng Công an huyện Phú Ninh cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an huyện phối hợp với Phòng TN&MT huyện, UBND xã Tam Lãnh tổ chức 40 đợt kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đặc biệt là sau khi Chủ tịch UBND huyện phê duyệt cho triển khai kế hoạch số 579, Công an cùng lực lượng chức năng huyện, xã đã tổ chức 5 đợt truy quét liên tiếp với quy mô lớn, đưa cả xe cẩu múc vào san lấp các khu vực khai thác không phép, vô hiệu hóa nhiều thùng hóa chất và các phương tiện khai thác như: máy nổ, máy xay; triệt hạ các nhà lều bạt kiên cố;…
“Lực lượng truy quét đã tháo dỡ, phá hủy, làm mất tác dụng hơn 60 lán trại, lều bạt, 90 bồn hóa chất, hơn 400 m2 bạt, 22 máy nổ, 15 máy phát điện, 26 cối xay, 4.500 m ống dây dẫn nước, hơn 600 m dây điện;… và rất nhiều công cụ, phương tiện lao động khác dùng để khai thác vàng trái phép, đẩy đuổi hàng trăm lượt đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực địa bàn”, Thượng tá Hùng thông tin.
Mỏ vàng này, tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ TN&MT xem xét phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu nhằm hỗ trợ địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Thế nhưng đến nay mỏ vàng này này vẫn chưa đóng được, cho dù HĐND tỉnh đã thông qua mức kinh phí để thực hiện là 12,6 tỷ đồng. Còn tình hình thực tế thì ngày càng nóng lên.
Lập lại trật tự
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh đã kiến nghị với UBND tỉnh nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp đấu thầu có kinh nghiệm khai thác khoáng sản, để có đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khoáng sản vàng tại đây và đề nghị bố trí thêm Công an chính quy cho Công an huyện để tăng cường thêm cho Công an xã Tam Lãnh nhằm đảm bảo được lực lượng tuần tra, xử lý.
Phát biểu chỉ đạo tại đây, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Phú Ninh xây dựng phương án lập lại trật tự ở mỏ vàng này. Đối tượng nào vi phạm mức hành chính phải xử lý hành chính, những đối tượng đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xử lý nghiêm khắc. Phải xác định được sơ đồ hầm lò, ai là người quản lý số hầm lò vàng trái phép và người quản lý này ở đâu? Công an tỉnh cần phải tăng cường thêm Công an chính quy về cho xã Tam Lãnh.
“Chính quyền địa phương phải làm việc với người dân thông báo cho họ biết việc chấm dứt khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu nên hướng dẫn bà con chuyển đổi nghề khác, đồng thời nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nhân dân hoặc giúp họ chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế”, ông Lê Trí Thanh nói.
Về việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, ông Thanh cho rằng, chúng ta phải thực hiện đóng cửa mỏ tại những vị trí đã được phê duyệt, còn lại Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Phú Ninh xác định khu vực đất mà Công ty vàng Bồng Miêu không có nhu cầu sử dụng thì làm thủ tục thu hồi đất giao lại địa phương quản lý, để địa phương làm thủ tục giao đất cho nhân dân.
Chỉ đạo cụ thể là như vậy, nhưng nếu không quyết liệt thì bài toán này khó thành. Bởi vì xưa nay tỉnh Quảng Nam và huyện Phú Ninh đã tốn không biết bao công sức, tiền của cho việc lập lại trật tự ở mỏ vàng này. Thế nhưng mỏ vàng Bồng Miêu tình hình ngày càng nóng.