Xã hội

Quảng Nam: Người đàn ông khuyết tật đóng bàn ghế từ gốc tre

Tấn Thành, Chí Đại 03/06/2024 15:29

Một người đàn ông chế tác những món đồ gia dụng có thẩm mỹ và đem lại hiệu quả kinh tế cao từ những gốc tre sần sùi bỏ đi, càng đáng nói khi ông là người bị khuyết tật một tay.

tre-1.jpg
Ông Phan Văn Chánh đang làm chiếc ghế bằng gốc tre.

Đó là ông Phan Văn Chánh ở thôn Hạnh Đông, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Nhiều năm qua, ngôi nhà của ông Phan Văn Chánh ở thôn Hạnh Đông, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lại vang lên những âm thanh quen thuộc từ tiếng đục đẽo gốc tre. Điều đáng khâm phục hơn là những sản phẩm được ông Chánh chế tác chỉ từ một cánh tay trái.

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện đầy nghị lực của ông Chánh, những ngày qua chúng tôi tìm về thôn Hạnh Đông bên dòng sông Thu Bồn để gặp và trò chuyện cùng với ông. Tại đây, ông Chánh kể lại, hồi năm 1985, gia đình ông vẫn còn nghèo khổ. Sau khi lập gia đình, ông làm bao nhiêu công việc nhưng không đủ ăn. Hồi ấy, ai kêu gì ông làm nấy miễn là có tiền nuôi vợ con. Trong một lần làm thuê cho cơ sở ép cây mía lấy đường, ông không may bị máy ép nghiền nát cánh tay phải.

tre-3-78817b1afec23b329c05ca4134c5eb9f.jpg
Những bộ bàn ghế do chính ông Phan Văn Chánh làm ra từ gốc tre già.

Cũng chính tai nạn này khiến ông rơi vào tình cảnh bi đát, tưởng chừng cuộc đời sẽ phải nhờ người thân chăm sóc. Thế nhưng bằng ý chí và nghị lực, ông Chánh bắt đầu đi xin việc làm, nhưng chỉ còn một tay nên không ai thuê. Lúc này ông chuyển sang đan lát, làm những sản phẩm từ tre như: thúng, rổ bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến năm 2006, ở địa phương xảy ra trận lũ lụt lớn khiến hàng tre dọc bờ sông Thu Bồn bật gốc. Nhìn thấy những gốc tre sần sùi lộ thiên, ông suy nghĩ đến việc chế tác chúng thành một bộ bàn ghế kiểu mẫu.

“Nghĩ là làm, tôi đã lên ý tưởng rồi vẽ ra giấy. Thức trắng đêm mới phác họa xong bộ bàn ghế mà nguyên liệu chính từ gốc tre. Hơn thế, tre chính là hồn cốt của dân tộc, bảo tồn, phát huy những sản phẩm từ tre cũng là cách giữ gìn văn hóa”, ông Chánh chia sẻ.

tre-2.jpg
Ông Chánh lựa chọn những gốc tre để đóng bàn ghế.

Theo ông Chánh, từ những gốc tre có hình dáng xù xì nhưng khi qua đôi bàn tay của ông đã trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật và kinh tế. Bộ bàn ghế đầu tiên của ông làm ra được khách hàng đặt mua với giá hơn 10 triệu đồng. Nhận thấy sản phẩm của ông làm ra được khách hàng ưa chuộng, có tiền trang trải sinh hoạt gia đình nên ông rất vui mừng và quyết tâm gắn bó với công việc này.

Cũng kể từ đó, hằng năm, ông Chánh làm ra khoảng 8 bộ bàn ghế, mỗi bộ từ 6 đến 10 sản phẩm. Một bộ bàn ghế có giá bán từ 30 đến 70 triệu đồng, tùy theo kích thước và độ khó của sản phẩm. Bình quân thời gian làm ra một bộ bàn ghế khoảng 30 đến 60 ngày. Doanh thu từ bán bàn ghế đem lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm, có năm ông bán được 10 bộ bàn ghế, thu về hơn 500 triệu đồng.

tre-5-6c7cbdabfe45df9fbf470ae853340610.jpg
Nguyên liệu là các gốc tre được ông Chánh chọn lựa kỹ càng để đóng đóng đồ gia dụng.

Ông Nguyễn Thị Minh Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết: “Ông Phan Văn Chánh là một tấm gương điển hình ở địa phương đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Ông Chánh không chỉ làm bàn ghế kiểu mẫu mà ông còn tạo nhiều sản phẩm khác như nôi, giường, bàn thờ, tủ trang điểm... từ gốc tre. Giờ đây, hàng của ông làm ra đã được nhiều người các nơi tìm đến mua. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều chương trình từ thiện ở địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Người đàn ông khuyết tật đóng bàn ghế từ gốc tre