Quảng Nam: Phó Bí thư huyện xây trang trại trên đất chưa có sổ đỏ, cơ quan chức năng nói gì?

Tấn Thành 04/04/2023 15:00

Những ngày qua tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam xôn xao việc một một Phó Bí thư Huyện ủy cho xây dựng một số hạng mục ngay trên đồi núi, dù đất này ông đã đấu giá trúng quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Vậy các cơ quan chức năng nói gì?

Làm trang trại trên đất chưa có sổ đỏ

Trang trại nói trên của ông Lê Văn Ninh, Phó Bí thư huyện ủy, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam thuộc khu vực đỉnh núi Tam Phương, thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Khi chúng tôi tìm đến nơi đây, cảnh quan trước mắt là những chuồng nuôi heo, dê, gà cùng với đó là một số hạng mục như khu nhà gỗ, nhà cấp 4. Lúc này có vài lao động đang sửa soạn lại khu trang trại, trồng cây, chăm sóc hoa màu.

Ngôi nhà tại trang trại của ông Lê Văn Ninh.

Ông Lê Văn Ninh cho biết, năm 2005 UBND xã Tam Thành, huyện Phú Ninh tổ chức đấu giá công khai khu đất này với số tiền hơn 11 triệu/ha, hồ sơ thể hiện toàn khu đất khoảng 3,2ha. Theo quy định, đấu giá trúng sẽ nộp khoảng 70% số tiền, sau đó được hoàn thiện thủ tục pháp lý cấp sổ đỏ thì nộp 30% số tiền còn lại.

“Toàn khu vực này là đất hoang hóa, cây cối um tùm, tôi đấu giá trúng, sau đó về cải tạo từ năm 2005 đến nay. Tôi nghĩ dân thì có trách nhiệm đấu giá, nộp đủ số tiền, còn lại thủ tục pháp lý, hồ sơ thì trách nhiệm của chính quyền cấp sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên tôi chờ nhiều năm qua nhưng chưa được cấp sổ đỏ”, ông Ninh nói.

Ông Ninh cho biết, do trúng đấu giá rồi, đất không tranh chấp với ai và đồi núi nên ông tranh thủ cải hoán dần dần để trồng cây, xây chuồng trại và chờ sổ đỏ. Riêng ngôi nhà cấp 4 được sửa chữa lại từ nền móng cũ năm 2005 để có nơi cho công nhân ở chăm sóc vườn. Ông cũng đã ủy quyền cho em gái vận hành, coi ngó trang trại này.

Khu nuôi heo ở trang trại thuộc thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành.

Qua quan sát của chúng tôi, khu vực là trang trại nuôi heo, dê, gà; giữa khu đất là một ngôi nhà cấp 4, bên cạnh có vài nhà rường, xung quanh được trồng các loại cây ăn trái như thanh long, ổi, vú sữa,...

Trước sự việc này, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Đất đó ngày xưa xã tổ chức đấu giá công khai và đã có quy hoạch làm trang trại. Ông Ninh làm trang trại này phù hợp, kể cả công trình kiên cố cũng đã có trong phương án được duyệt khi đấu giá, có điều là chưa có thủ tục kịp thời, nên giờ hướng dẫn làm thủ tục đảm bảo theo quy định cho ông Ninh”.

Sáng 4/4, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho biết, ông Ninh đam mê làm trang trại là tốt và đất đã đấu giá trúng, thực hiện đúng với quy hoạch làm trang trại, nhưng điều đáng tiếc là thủ tục chậm quá trở thành sai. “Ông Ninh đã gửi báo cáo đến Ban Thường vụ Huyện ủy, chúng tôi sẽ họp xem xét vấn đề. Trước hết, Huyện ủy chỉ đạo các biện pháp khắc phục ở mức tốt nhất với thái độ cầu thị, đầu tiên là dừng hoạt động. Còn lại sẽ kiểm tra các bước về quy trình thủ tục đất đai để cấp cho ông Ninh”, ông Thẩm nói.

Một góc trang trại của ông Lê Văn Ninh.

Khi đặt câu hỏi, vì sao ông Ninh đấu giá trúng vẫn phải chờ đến mấy năm trời mà không được cấp sổ đỏ, ông Huỳnh Tấn Nhật, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Phú Ninh cho biết: “Do hồi đó xã tổ chức đấu giá và không gửi hồ sơ lên Phòng TNMT để tiến hành thủ tục, sau đó hồ sơ bị thất lạc. Cách đây 1 tuần xã đã lục được bản gốc như quy chế đấu giá, hóa đơn nộp tiền, biên bản đấu giá và các giấy tờ liên quan và mới gửi lên. Hiện, chúng tôi đang tiến hành làm các thủ tục để cấp sổ đỏ cho ông Ninh”.

Được phép xây dựng

Đó là khẳng định của luật sư Phạm Xuân Linh, Văn phòng luật sư Thanh An thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam khi chúng tôi trao đổi để tìm hiểu luật định việc ông Ninh xây dựng trang trại khi đất chưa có sổ đỏ và các hạng mục kiên cố có được phép hay không?

Luật sư Phạm Xuân Linh cho rằng, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 quy định: “Đất sản xuất phải đảm bảo sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, không vi phạm các quy định pháp luật về đất đai và được UBND xã xác nhận…”.

Một cây đã được trồng trong trang trại.

“Nên ông Ninh đấu giá trúng, sử dụng đúng mục đích làm trang trại như quy hoạch thì được quyền làm trang trại. Đất làm trang trại không bắt buộc là phải có sổ đỏ, miễn là không tranh chấp, thuộc chủ quyền của mình và làm trang trại đúng với quy hoạch, được xây dựng các hạng mục kiên cố”.

Hay như Quyết định số 3361/QĐ-UBND về việc triển khai thực Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND cũng đã nói rõ, đất sản xuất (đất vườn, trang trại) thuộc diện ổn định lâu dài thì cần tháo gỡ những vướng mắc, trong khi ông Ninh đã đấu giá trúng từ năm 2005, nên các cơ quan chức năng liên quan cần tháo gỡ vướng mắc cho ông Ninh.

Trong Luật Đất đai có nói rõ: Người sử dụng đất được kết hợp sử dụng đất vào nhiều mục đích, nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất nhưng không được làm thay đổi mục đích chính, Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất sử dụng đất có hiệu quả, nâng cao giá trị của việc sử dụng đất.

Tinh thần trên của pháp luật đã được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật qua các thời kỳ, trước đây được quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai năm 2003: “Ngoài mục đích sử dụng đất chính đã được xác định theo quy định tại khoản 1 điều này, người sử dụng đất được sử dụng kết hợp vào mục đích khác nhưng không làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chính và không trái với quy định của pháp luật về đất đai”. Hiện nay được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất: “Tiết kiệm, có hiệu quả…”.

Khu chăn nuôi thuộc trang trại của ông Lê Văn Ninh.

Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013: “Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”.

Như vậy, đất sử dụng vào mục đích trang trại là được phép xây dựng theo đề án của chủ trang trại và nhóm đất nông nghiệp vẫn được phép xây dựng để phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nên được phép xây dựng các hạng mục như: Làm các công trình, nhà cấp 4 để dụng cụ lao động, máy móc thiết bị phục vụ cho trang trại, để cho người lao động nghỉ ngơi, để chăn nuôi, để sơ chế bảo quản những sản phẩm nông nghiệp làm ra… Đồng thời, người sử dụng đất còn có thể kết hợp với du lịch sinh thái như để cho du khách đến tham quan, mua các sản phẩm, học hỏi trao đổi kinh nghiệm…

Trang trại không phải chỉ được làm tạm bợ, lợp cây lá che mưa nắng, lụp xụp như ngày xưa người dân còn nghèo chưa có điều kiện, mà hiện nay Nhà nước khuyến khích người dân làm trang trại theo hướng chắc chắn để đảm bảo không bị đổ ngã vào mùa mưa bão, theo hướng xanh - sạch - đẹp và bảo vệ môi trường để nhân rộng cách làm tốt trong quần chúng nhân dân.

Như vậy, ông Ninh đấu giá trúng, nghĩa là ông Ninh làm chủ khu đất đó ổn định và thực hiện đúng theo quy hoạch là làm trang trại. Tôi khẳng định trang trại không bắt buộc là phải có sổ đỏ, việc ông Ninh làm không có gì sai trái. Thiết nghĩ, đây là chủ trương lớn của tỉnh và khi triển khai thực hiện trên thực tế có thể có những bất cập, vướng mắc cần được chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân để đưa Nghị quyết vào cuộc sống...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Phó Bí thư huyện xây trang trại trên đất chưa có sổ đỏ, cơ quan chức năng nói gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO