Trước nguy cơ xảy tình trạng lũ chồng lũ, chính quyền tỉnh hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng người dân địa phương đang khẩn trương lên các phương án, biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm chủ động hạn chế mức thiệt hại thấp nhất.
Chồng chất nỗi lo
Sáng 14/10, chúng tôi có mặt tại khu dân cư Mỹ Thạch Trung (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nơi có nhiều tuyến đường bị ngập nước. Nước đã tràn vào nhà dân khiến bà con phải đưa đồ đạc lên vị trí cao, nhằm tránh bị hư hỏng.
Ông Đoàn Phi Hùng, trú khối phố Mỹ Thạch Trung cho hay: “Lũ chưa rút thì tiếp tục lại đón đợt lũ mới. Tôi đã chuẩn bị một chiếc ghe để nước lũ dâng cao có thể di chuyển đưa gia đình tài sản đến nơi an toàn”.
Còn bà Trần Thị Hiền, tiểu thương ở chợ Tam Kỳ nói: “Chỉ trong vài ngày tôi phải dọn hàng hóa để chạy lũ tới 2 lần. Nghe đợt mưa lũ này lớn lắm chúng tôi rất lo sợ vì lũ sẽ chồng lũ. Tôi chỉ biết cầu mong mọi việc sẽ bình an, mưa sớm tạnh chứ lũ kéo dài người dân chúng tôi sẽ rất vất vả”.
Trong khi đó tại vùng ven biển như: Tam Thanh, TP Tam Kỳ, phường Cửa Đại (TP Hội An), xã Tam Quang, xã Tam Hải (huyện Núi Thành) nhiều ngư dân đã đưa các ghe, tàu thuyền vào khu vực âu thuyền An Hòa, bến Cửa Đại neo đậu an toàn và nhiều người dân đã khẩn trương chằng chống nhà cửa.
Đang chèo thuyền thúng kiểm tra tàu cá, ngư dân Trần Văn Anh, trú xã Tam Quang cho biết: “Nghe thông tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão nên chúng tôi đã chủ động neo đậu tàu thuyền. Cụ thể dùng dây thừng cột chặt tàu vào trụ sắt để khi gió mạnh, sóng lớn tránh va chạm với các tàu thuyền khác để hạn chế gây thiệt hại tài sản”.
Ông Trần Văn Thu (57 tuổi), trú xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) cho biết: “Sáng nay tôi dậy sớm ra bờ biển xúc cát cho vào bao đem lên mái nhà chằng chống để gió mạnh khỏi làm tốc mái. Cơn bão số 4 đã làm tốc mái nhà bây giờ lại tiếp tục đón bão”.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn đang tiếp tục diễn ra, người dân lần nữa phải chạy lũ. Có nơi dùng bè, thuyền để đi lại. Trong khi đó miền núi thì sạt lở làm ách tắc giao thông, cô lập nhiều nơi, khó có thể nói được hết nỗi khổ của người dân.
Như tại xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) là vùng chuyên canh trồng chuối lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi, người dân nơi đây đang khẩn trương chặt, dọn các cây chuối bị ngã đổ trong cơn bão số 4, cùng với đó phải lo cơn lũ dữ lần này. Nơi đây bè chuối là giải pháp của hầu hết người dân nhằm di dời tài sản, con vật nuôi để giảm tránh thiệt hại khi lũ đổ về.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, trú xã Hành Tín Đông cho biết: “Toàn bộ diện tích chuối của tôi đến kỳ thu hoạch đã bị ngã đổ toàn bộ. Hiện tại tôi đang làm 2 cái bè, mỗi cái bè 18 cây chuối đưa tài sản, những vật dụng cần thiết cùng 50 con gà, 10 con lợn đến nơi an toàn. Phải chạy lũ thôi chú à!”.
Trong khi đó tại xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành) - địa phương nằm dọc theo con sông Phước Giang, liên tiếp những ngày qua đón 2 đợt lũ, gây ngập trường mầm non và THCS cùng hàng trăm nhà dân. Trong lúc chính quyền địa phương đã huy động 30 chiến sĩ, dân quân trên địa bàn xã cùng lực lượng đoàn thanh niên khẩn trương hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời hỗ trợ các trường học nhanh chóng ổn định và tổ chức giảng dạy trở lại. Thế nhưng hiện tại người dân và chính quyền địa phương lại phải lo ứng phó với đợt lũ mới.
Người Quảng Ngãi còn nỗi lo sạt lở núi, như tại khu vực sạt lở trên Tỉnh lộ 622 đoạn qua xã Trà Lâm (huyện Trà Bồng) vào ngày 13/10 mới được thông tuyến thoát khỏi cảnh 6 xã phía Tây, khoảng 20.000 người bị chia cắt mấy ngày qua do mưa lớn, sạt lở núi. Thế nhưng nơi này cùng với xã Trà Lâm nơi xảy ra sạt lở thủy điện Kà Tinh, đến giờ vẫn chưa tìm ra người mất tích, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục, trong khi đó mưa rất lớn đang xảy ra.
Khẩn trương ứng phó
Để phòng chống đợt bão lũ lần này, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành - Quảng Nam) cho biết: “Đến sáng ngày 14/10 qua tuyên truyền của chính quyền địa phương người dân đã chủ động chằng chống nhà cửa, các tàu thuyền vào nơi khu trú tránh an toàn. Chúng tôi cũng lên các phương án sơ tán người dân trong tình huống khẩn cấp nếu bão đổ bộ vào đất liền. Địa phương cũng đang tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão số 4 gây ra”.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, các đồn Biên phòng đã đi tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân khẩn trương cho tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn. BĐBP lên các phương án sẵn sàng giúp đỡ sơ tán người dân trong tình huống khẩn cấp, đồng thời có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản ngư dân.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dữ, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, chính quyền thành phố đã chủ động triển khai phương án, phương tiện và nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, cùng với đó sẵn sàng các phương tiện trang thiết bị để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn có thể xảy ra lũ lớn trong những ngày tới. Đồng thời đề nghị Đồn Biên phòng Cửa Đại, Cù lao Chàm kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Có phương án di dời, đảm bảo an toàn cho du khách đến nơi an toàn khí có áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra. Thường xuyên cung cấp thông tin để cơ sở lưu trú có kế hoạch chủ động trong việc phòng tránh.
Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) cho biết: “Chính quyền đã khuyến cáo người dân cẩn trọng với đợt mưa lớn này, đến thời điểm này các gia đình đã chủ động đưa tài sản có giá trị lên cao và cập nhật thông tin về thời tiết qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi phương án để bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân”.
Để đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa thủy điện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh vận hành điều tiết các hồ chứa nước thủy điện Đak Đrinh và hồ chứa nước Nước Trong. Theo đó hồ chứa nước Nước Trong tiến hành xả lũ điều tiết về hạ du là 297,94 m3/s; Thủy điện Đak Đrinh là 146,88 m3/s. Đây là 2 hồ chứa có dung tích lớn nhất của Quảng Ngãi.
UBND hai tỉnh nói trên cũng yêu cầu, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là nơi bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện, an toàn đê điều”.
Sạt lở đường, gần 450 hộ dân bị chia cắt
Ngày 14/10, ông Ngô Tấn Lực - Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn xảy ra mưa lớn gây sạt lở tuyến đường ĐH3 gây chia cắt gần 450 hộ dân.
Trước đó, khuya ngày 12/10 tại tuyến đường ĐH 3, đoạn qua địa bàn khu dân cư Tông Pua, thôn 3, xã Trà Cang bất ngờ sạt lở đất đá tràn xuống đường gây chia cắt gần 450 hộ của xã Trà Cang và thôn 3, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My).
“Hiện chính quyền xã huy động lực lượng quân đội, công an cùng người dân mở tạm đường đi bộ tránh bên trên điểm sạt lở, trong khi chờ giải phóng sạt lở, sau đợt mưa lớn sắp tới, theo chỉ đạo của huyện” - ông Lực nói và cho biết thêm do ảnh hưởng áp nhiệt đới và mưa lớn nên chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo rà soát các điểm nguy cơ sạt lở cao khi mưa kéo dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.