Sáng nay, ngày 10/2, tức Mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019, tại khu vực sông Vu Gia, đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm 2019. Giải năm nay thu hút 14 đơn vị, địa phương tham gia tranh tài với sự cổ vũ của hàng ngàn người dân và du khách thập phương.
Các đội tham gia đua thuyền sẵn sàng xuất phát.
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hằng năm đều diễn ra vào dịp đầu xuân, nhằm hướng đến ước vọng cầu cho quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thu hút sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, chính quyền huyện Đại Lộc và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Lễ hội đua thuyền bao gồm hai phần: phần lễ được tổ chức theo hình thức cổ lễ, gọi là cúng sông.
Các đội đua cũng thực hiện nghi thức cúng ghe, thường diễn ra vào đêm trước khi giải đua diễn ra cùng với tục dựng cây nêu cầu mong mọi sự tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió. Phần hội là giải đua diễn ra vào sáng mùng 6 tháng Giêng. Đây là nét văn hóa, tâm linh độc đáo của cư dân vùng sông nước Đại Lộc, đồng thời là sân chơi bổ ích, nơi để nhân dân giữa các xã, thị trấn có cơ hội giao lưu, học hỏi; rèn luyện kỹ năng sử dụng ghe, thuyền sẵn sàng phục vụ ứng cứu khi thiên tai.
Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đua thuyền huyện Đại Lộc cho biết: “Thông qua hoạt động này để tạo không khí vui tươi phấn khởi cho bà con nhân dân của toàn huyện, đồng thời động viên bà con nhân dân tiếp tục rèn luyện môn bơi lội để có sự chủ động trong việc phòng chống thiên tai, bão lũ hằng năm thường xảy ra trên địa bàn huyện”
Đông đảo người dân đến xem đua thuyền.
Ngay từ sáng sớm, người dân khắp các đường làng, ngõ xóm người dân đã gọi nhau í ới đi trẩy hội. Hai bên bờ sông mọi người đã vây kín, có người còn lội ra những khoảng sông khá xa để hô vang, tạt nước tiếp sức. Nhiều cổ động viên rất hồ hởi bởi lễ hội mang đến niềm tự hào, đồng thời lễ hội cũng đã giữ gìn và phát huy được nét đẹp văn hoá đặc sắc của cư dân vùng quê sông nước.
Ông Lê Thành Trung, người dân xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam cho hay, tham dự giải đua thuyền hằng năm ông thấy rất vui và phấn khởi. Theo ông Trung, đây cũng là dịp để tạo nên tinh thần đoàn kết giữa các địa phương trên địa bàn huyện Đại Lộc.
Giải đua thuyền truyền thống năm nay có tổng cộng 9 thuyền đua nữ và 14 thuyền đua nam đến từ 14 xã/thị trấn trên địa bàn huyện. Sau giải hòa bình là giải đua chính với giải nam và giải nữ. Các thuyền nam cùng tranh tài ở 6 vòng đôi, cự ly 5.000 m, còn các thuyền đua nữ tham gia tranh tài với 4 vòng đôi, cự ly 3.000 m.
Sau nhiều pha quyết liệt, đọ từng mét nước trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng ngàn cổ động viên, các thuyền đua đã hoàn thành xong phần tranh tài đầu xuân. Kết quả, ở giải nữ chính, ban tổ chức đã trao giải nhất cho thuyền đua xã Đại Hồng, thuyền đua xã Đại Lãnh đạt giải nhì và giải ba thuộc về thuyền đua đơn vị xã Đại Cường.
Ở giải nam, giải nhất thuộc về thuyền đua xã Đại Hồng, thuyền đua đơn vị xã Đại Hòa đạt giải nhì và giải ba thuộc về đơn vị xã Đại Phong. Riêng giải phong cách thuyền nữ thuộc về đơn vị Đại Nghĩa, giải phong cách thuyền nam thuộc về đơn vị Đại Thắng.
Tranh nhau về đích.
Đại diện đơn vị đạt giải nhất cuộc thi, ông Trương Thêm – Đội trưởng Đội thuyền đua xã Đại Hồng cho biết: Đua thuyền là một bộ môn đòi hỏi tính đồng đội rất cao, anh em đội chúng tôi đã tập trung rất cao, đoàn kết một lòng, cùng với việc hăng say tập luyện nên chúng tôi đã giành được thành tích cao trong giải lần này.
Năm nay, các đội đua đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của ban tổ chức nên công tác điều hành giải có phần thuận lợi và chu đáo hơn. Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực tranh giải được địa phương chú trọng, huy động lực lượng dân quân cơ động, dân phố, công an đứng chốt tại các tụ điểm nên lễ hội diễn ra an toàn, thuận lợi.
Có thể nói, lễ hội đua thuyền đầu năm ở Đại Lộc (Quảng Nam) là dịp để người dân trẩy hội, du xuân, tạo không khí vui tươi, phấn chấn trong năm mới, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân sống dọc bên sông Thu Bồn, Vu Gia tỉnh Quảng Nam.