Sáng 29/10, thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), tại thôn 6 của xã Phước Lộc (giáp giới với tỉnh Kon Tum) xuất hiện một điểm sạt lở vùi lấp 11 người.
Tỉnh ủy Quảng Nam ngay trong sáng nay đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.
Hiện đoàn công tác của tỉnh do ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trên đường lên Phước Sơn khảo sát, tiếp cận hiện trường. Trung đội cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xuất phát đến hiện trường.
Trước đó, ngay khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền, tại xã Phước Lộc đã có 2 cán bộ xã mất tích do sạt lỡ núi trong quá trình giúp người dân di chuyển về nơi tránh trú bão, hiện nay vẫn chưa tìm thấy.
Xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn giáp với huyện Đắc Glei (tỉnh Kom Tum). Vào mùa mưa bão, xã này thường bị cô lập bởi đường giao thông ngập lụt, sạt lở.
Hiện lực lượng của Ban CHQS huyện Phước Sơn đang chia làm 2 hướng từ xã Phước Công qua Phước Lộc và xã Phước Kim qua Phước Lộc để tiếp cận ứng cứu nhưng cả 2 tuyến đường đều bị ách tắc do sạt lở núi.
Các lực lượng đang nỗ lực khắc phục, khai thông đường để nhanh chóng tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp.
Báo Quảng Nam dẫn báo cáo của Sở Công Thương cho hay, hiện cầu qua sông Đăk Mi - gần nhà máy đã trôi dầm cầu không thể qua lại. Cầu trên tuyến đường lên đập bị trôi và đường giao thông sạt lở nhiều đoạn.
Khoảng 100 công nhân làm việc tại nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 (huyện Phước Sơn) và các khu vực khác bị cô lập, chưa thể tiếp cận được, nhà máy đang lắp đặt và bị ngập nước toàn bộ, không có thiệt hại về người.
Chủ đầu tư công trình Thủy điện Đăk Mi 2 đang tăng cường nhân lực, thiết bị để thông đường vào khu vực đầu mối và đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương hỗ trợ máy móc thiết bị thông đường từ ngã ba xã Phước Chánh vào nhà máy để cùng chủ đầu tư sớm khắc phục sự cố sạt lở, tiếp cận khu vực cô lập tại đầu mối.
* Trong khi đó, tại Nhà máy thủy điện Đăk Mi 3, do lưu lượng từ thượng nguồn sông Đăk Mi về hồ rất lớn (khoảng 10.000 m3/s) làm ngập toàn bộ nhà máy đang vận hành.
Tuy chưa ghi nhận thiệt hại về người và công trình nhưng thiết bị nhà máy thiệt hại rất nặng, đường vận hành vào đập và nhà máy bị sạt lở nặng.
Những hình ảnh đầu tiên từ hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc do một người dân cung cấp (nguồn Báo Quảng Nam):