Thời gian qua, phong trào “Trao sinh kế, đổi vũ khí” do Công an huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) phát động đã được người dân hưởng ứng tích cực.
Công an huyện Tây Giang thời gian qua đã tích cực với nhiều hình thức, cách thức để đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng bà con địa phương chuyển đổi từ môi trường săn bắn thú rừng sang mô hình chăn nuôi để có thu nhập ổn định.
Việc này được lực lượng công an thực hiện bằng những sinh kế cụ thể, phù hợp với đời sống người dân bản địa. Khi người dân đem giao nộp vũ khí tự chế sẽ nhận được những con giống như vịt xiêm, heo cỏ, heo rừng,… đem về để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Cơ lâu Nướt - thôn Tari (xã Lăng, huyện Tây Giang) là một trong những người hưởng ứng phong trào “trao sinh kế, đổi vũ khí” chia sẻ: Sau khi được tuyên truyền, tôi mang đến một khẩu súng cồn PCP, đổi lấy 1 con heo rừng giống đem về phát triển chăn nuôi và tôi đã cam kết không tái sử dụng súng để săn bắt nữa. Việc này rất thiết thực nên tôi đã vận động cho bà con trong thôn cùng hưởng ứng, thực hiện tốt”.
Cứ như thế, từ nguồn lực của huyện sẽ hỗ trợ các loại con giống như: vịt xiêm, heo cỏ địa phương, heo rừng... tương đương tùy theo số lượng vũ khí giao nộp. Nhờ vậy, có ngày tại xã Bha Lêê đã có 33 khẩu súng tự chế được người dân tự nguyện đem đến giao nộp.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền vận động đã được đơn vị triển khai sâu rộng với nhiều hình thức và thu về lượng lớn súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng năm 2023, toàn huyện thu được 222 khẩu súng các loại. Hiện nay, tình trạng người dân ngang nhiên sử dụng, tàng trữ vũ khí tại nhà không còn diễn ra. Do đó có thể khẳng định, việc “trao sinh kế, đổi vũ khí” ở đồng bào vùng cao thiết thực và đã thật sự đem lại hiệu quả.
Ông Thìn cũng cho biết, với phong trào “Trao sinh kế, đổi vũ khí”, lực lượng công an huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa bàn dân cư để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các quy định pháp luật về các hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí,… Đồng thời giúp người dân thay đổi nhận thức, không sử dụng súng, vật liệu nổ săn bắt mà tập trung phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi.
“Chúng tôi chỉ đạo các lực lượng tiếp cận sớm nhất các nguồn tin trong nhân dân để nắm rõ danh sách người nghi vấn tàng trữ, sử dụng vũ khí; phối hợp ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia vận động đối với các trường hợp cá biệt, không chấp hành. Đồng thời sẽ khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác tuyên truyền vận động, cung cấp các thông tin giá trị cho lực lượng công an” - ông Thìn nói.
Đây là cách làm, hiệu quả góp phần quan trọng trong việc đem lại bình yên trong cuộc sống của cộng đồng đồng bào vùng cao.