Để sớm được Ủy ban Châu Âu (EC) gỡ thẻ vàng, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định về việc không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngư dân Phạm Văn Tuấn (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), thuyền trưởng tàu cá QNa 91069 TS cho biết, thời gian qua, ngư dân địa phương được Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển, trong đó đặc biệt là việc không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
“Do đó, mỗi lần vươn khơi, bên cạnh chuẩn bị kỹ thiết bị máy móc cùng ngư lưới cụ và nhu yếu phẩm thực phẩm, tôi còn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá, nhằm mục đích khi tàu vươn khơi, thiết bị GSHT hoạt động tốt để cho cơ quan chức năng theo dõi, giám sát, đồng thời khi đánh bắt hải sản gần vùng biển giáp ranh với nước bạn thì thiết bị này đưa ra cảnh báo, để tôi biết không cho tàu xâm phạm lãnh hải của nước bạn. Nhờ vậy, thời gian qua tàu cá tôi luôn chấp hành tốt, không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ngư dân Phạm Văn Tuấn nói.
Còn ngư dân Đặng Cảnh, ở xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa QN 90907 TS cho hay, hiện nay các đơn vị như Viettel, VNPT, Vishipel đã cung cấp cho tàu xa bờ đầy đủ thiết bị GSHT, thiết bị thông tin liên lạc. Tàu xa bờ của ngư dân trong các nghiệp đoàn nghề cá xa bờ được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như: máy định vị, máy bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá.
“Đây là những yêu cầu bắt buộc đối với mỗi tàu cá xa bờ. Trong quá trình đánh bắt hải sản nhiều tháng trên biển, các thiết bị GSHT, thiết bị thông tin liên lạc phải mở 24/24, từ lúc đi cho đến lúc về bến, để vừa liên lạc với gia đình, liên lạc với các tàu thuyền khác trên biển và với lực lượng chức năng khi không may tàu gặp sự cố tai nạn để ứng cứu kịp thời”, ngư dân Lê Quang Dũng nói.
Ngư dân Trần Trường, chủ tàu cá QNa 91289 TS cho hay, tàu cá của gia đình ông trên 15 m đều được đăng ký, đăng kiểm và lắp đặt thiết bị GSHT đầy đủ. Trong suốt hành trình khai thác trên biển, các tàu cá luôn ghi lại nhật ký khai thác và mở thiết bị GSHT, đồng thời liên hệ với Đồn biên phòng Cảng Kỳ Hà, Ban quản lý cảng cá khi xuất hoặc cập bến.
“Ngư dân địa phương luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về chống khai thác IUU, khi ra khơi đánh bắt luôn trang bị đầy đủ sổ đánh bắt, khai thác hải sản, máy định vị, máy tầm ngư;… Ngư dân ai cũng cố gắng hoạt động đánh bắt trên biển thật tốt, đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài, qua đó chung tay cùng ngư dân cả nước để sớm gỡ thẻ vàng”, ngư dân Trần Trường nói.
Trung tá Nguyễn Bá Tố, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà cho biết: “Những năm qua, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của chỉ huy các cấp trong việc tuyên truyền cho bà con ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Đơn vị phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành chức năng và nghiệp đoàn nghề cá trong công tác tuyên truyền ngư dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong công tác tuần tra, kiểm soát và đấu tranh, ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định để góp phần sớm gỡ thẻ vàng IUU”.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến nay, Quảng Nam có tổng số 3.395 tàu cá, trong đó có 2.226 tàu cá đã được đăng ký và 1.169 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, tập trung chính các nghề lưới rê, lưới vây, câu, lưới kéo. Từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, bị xử lý. Tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU đến tất cả các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tham gia khai thác thủy sản về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản; thực hiện đúng Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;…
“Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai, phối hợp triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển cũng như công tác phối hợp nhiệm vụ tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Quảng Nam tại Cảng cá Tam Quang xử lý trên 130 vụ về khai thác IUU và xử phạt vi phạm hành chính 75 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị GSHT trên tàu cá, 55/75 vụ”, ông Võ Văn Long nói.
Về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản khẩn trương tiến hành đăng ký, cấp phép đối với tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên, cập nhật thông tin đăng ký, cấp phép tàu cá trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase. UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện đăng ký, cấp phép đối với tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m và báo kết quả về Sở NNPTNT cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase. Tuyệt đối không để phát sinh tàu cá “3 không” trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng lên cảng tại Cảng cá Tam Quang; thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản, không để xảy ra các vụ việc vi phạm “hợp thức hóa hồ sơ” đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử khi tàu vào, ra cảng cá.