Chính trị

Quảng Nam: Xây dựng trường học thân thiện, tránh bạo lực học đường

Tấn Thành - Chí Đại 19/10/2024 14:04

Thực hiện chương trình công tác năm 2024 và chuẩn bị nội dung tham gia kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 19/10, Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại các điểm cầu trong tỉnh.

DOI THOAI 1
Ông Lê Văn Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam; ông Dương Văn Phước, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại. Tham dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở GDĐT và các phòng GDĐT 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tại các điểm cầu.

Phát biểu khai mạc buổi tiếp xúc cử tri, ông Lê Văn Dũng cho biết: “Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri về chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ, được lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải đáp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, trả lời”.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024-2025 có 725 trường công lập, với 354.403 học sinh và 70 trường ngoài công lập với 27.260 học sinh. Tính đến nay số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của toàn ngành là 27.165 người.

Theo ông Tường, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; vệ sinh trường, lớp, khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn nhằm chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt trước khi bước vào khai giảng năm học mới.

DOI THOAI 2
Ông Thái Viết Tường kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại.

Sở GDĐT đã cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GDĐT tổ chức; trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học; tập huấn kiểm tra, đánh giá; tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Tường kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm và sửa đổi một số nội dung như: Lương của nhân viên làm việc tại các trường học thấp, không được khoản phụ cấp nào ngoài lương hệ số theo ngạch bậc; đề nghị tăng lương cho nhân viên làm việc tại các trường; chế độ chính sách tiền lương đối với viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại miền núi, vùng sâu, hải đảo còn thấp, chưa thu hút được đội ngũ để gắn bó, công tác lâu dài; phụ cấp thu hút tại điều 4 của Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 8/10/2009 quy định thời gian không quá 5 năm; thực tế với thời gian là 5 năm thì chưa đủ sức thu hút đối với giáo viên đồng bằng lên công tác miền núi.

Ông Tường cũng đề nghị có chính sách giữ chân nhà giáo ngoài chính sách thu hút được quy định, kéo dài thời gian phụ cấp thu hút theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP từ 5 năm lên 10 năm;…

Ông Tường cũng kiến nghị thêm, về biên chế làm việc tại các Phòng GDĐT chưa đủ nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tại điểm b, khoản 4 Điều 27 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

Tuy nhiên chế độ giáo viên biệt phái về công tác tại Phòng GDĐT rất khó khăn do mức lương thấp hơn so với giảng dạy. Mặc khác khi bổ nhiệm giáo viên hay một cán bộ quản lý vào một ngạch công chức làm việc tại phòng sẽ không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên do quyết định số 42/2011/QĐ-TTg bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quan lý giáo dục đã hết hiệu lực.

Ông Tường nhận định, sự bất cập này đã gây nhiều khó khăn trong việc luân chuyển giáo viên giỏi, có kinh nghiệm về công tác tại phòng GDĐT, Sở GDĐT.

DOI THOAI 4
Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại.

Phát biểu kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại, ông Lê Văn Dũng cho biết, qua tiếp thu, giải trình của các đại biểu, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, thể hiện trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, nhất là vấn đề chất lượng dạy và học, vấn đề đổi mới sách giáo khoa, vấn đề chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và hỗ trợ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;... Đoàn ĐBQH xin tiếp thu, ghi nhận.

DOI THOAI 3
Quảng Nam xây dựng trường học thật sự thân thiện, tránh bạo lực học đường.

Theo ông Lê Văn Dũng, Sở GDĐT tỉnh chủ trì xây dựng đề án chi tiết xây dựng trường chuẩn THPT; các địa phương chăm lo các bậc học còn lại. UBND tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa nhiều hơn, tăng thêm từ 30% trở lên so với hiện tại để tạo ra sức bật; thống nhất quan điểm hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh DTTS, nhưng lưu ý tính thiết thực, hiệu quả, giao Sở GDĐT báo cáo cho tỉnh quyết định.

Tỉnh chủ trương miễn học phí nhưng không vì thế mà giảm mà phải đảm bảo các nguồn kinh phí của trường học; đồng thời, phải xây dựng trường học thật sự thân thiện, tránh bạo lực học đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Xây dựng trường học thân thiện, tránh bạo lực học đường