Tại các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ngãi, những ngày qua mưa lớn liên tiếp đã gây nên lũ lớn cuốn theo hàng trăm m3 gỗ từ thượng nguồn trôi về nằm dày đặc lấp kín chân cầu Nước Bua, ở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Cho đến sáng ngày 6/11, vẫn còn hàng chục người dân ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã đổ xô ra sông vớt gỗ, cưa xẻ ngay bên dưới chân cầu Nước Bua.
Cùng với người dân nhiều công nhân Chi cục Đường bộ 3 cũng tham gia trục vớt gỗ để khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc thoát lũ cũng như bảo vệ cây cầu. Các phương tiện máy móc cũng được huy động để vớt gỗ.
Sáng ngày 6/11, chúng tôi có mặt tại đây và ghi nhận, đủ thứ loại gỗ phủ kín cây cầu này.
Theo người dân gỗ này trôi từ rừng Trường Sơn xuống sông Bua trong mưa lũ, gồm gỗ rừng trồng và gỗ rừng tự nhiên. Những ngày qua gỗ cứ trôi dạt về đây, mưa càng lớn gỗ đổ về càng nhiều, dày đặc. Ở chung quanh khu vực cầu Nước Bua ước lên đến hàng trăm m3 gỗ.
Anh Nguyễn Văn Ba, một trong những người đang tận thu gỗ ở đây kể, những ngày qua có hàng trăm người đổ xô ra đây vớt gỗ. "Không biết từ đâu mà gỗ trôi về quá nhiều, nếu không vớt gỗ lũ lớn tràn về nước chảy mạnh cây cầu này chắc chắn bị sập”.
Còn anh Võ Xuân cho biết, chưa biết vớt gỗ về có làm được cái gì hay không, nhưng thấy mọi người tham gia vớt gỗ tôi cũng ra vớt. Gỗ đủ thứ loại tràn kín chân cầu, mạnh ai nấy vớt.
Chúng tôi nhận thấy, nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 40-50 cm, dài hơn 8 m đổ về nằm ngổn ngang ở các cồn cát, theo dọc theo sông Bua và bủa vây dưới chân cầu, còn người dân thì đua nhau trục vớt gỗ.
Quả thật nếu số gỗ này không được trục vớt kịp thời thì an toàn cho cây cầu Nước Bua đang bị đe dọa. Hiện 2 nhịp cầu cũng đã bị võng xuống, rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Viết Chưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây cũng xác nhận: “Do lượng gỗ quá nhiều, dòng chảy quá lớn sau mưa bão, khiến cho 2 nhịp cầu Nước Bua đã bị võng xuống. Trước mắt xã chỉ cho xe máy và ô tô 4 chỗ qua lại, còn xe trọng tải lớn bị cấm qua cầu”.
Ông Nguyễn Đại, Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cho rằng, gỗ trôi xuống cầu Sông Bua chủ yếu là gỗ từ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam (giáp tỉnh Quảng Ngãi) là nơi xảy ra sạt lở núi liên tiếp do bão số 9. Số khác bị khai thác trái phép ở thượng nguồn rồi bỏ lại trên núi, bị nước lũ trôi xuống.
“Hiện chúng tôi đã cho phân loại, đưa hơn 5 khối gỗ tốt về UBND xã Sơn Bua. Số gỗ này sẽ được lập hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân, bán đấu giá đem sung công quỹ Nhà nước, cùng với đó công việc khơi thông dòng chảy bảo vệ cây cầu Nước Bua đã và đang được tiến hành” - ông Đại cho biết.
Gỗ từ Trà Vân hay từ đâu tràn về, nguyên nhân do đâu mà gỗ quá nhiều là câu chuyện các cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ. Có điều mưa lớn đang diễn ra, nếu gỗ tiếp tục đổ về mà không trục vớt kịp thời thì chắc chắn cây cầu Nước Bua cũng trôi theo dòng nước lũ.