Xã hội

Quảng Ninh: Bác sĩ, bệnh nhân kể về khốn khó những ngày chạy đua với bão

Ngọc Anh 10/09/2024 13:18

Sau bão, nhiều cơ sở vật chất của ngành Y tế Quảng Ninh bị hư hỏng, cùng với điều kiện thiếu thốn điện, nước đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao nhất để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Những ngày "ở cữ" tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh giữa tâm bão số 3 có lẽ sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên của chị Nguyễn Thị Phương (huyện Cô Tô, Quảng Ninh).

"Bão về, gió rít, giật mạnh, nhiều nơi trong Bệnh viện bị tốc mái và vỡ kính. Bệnh nhân và người nhà đều được sơ tán đến nơi đảm bảo an toàn. Mặc dù trong hoàn cảnh bão gió khó khăn nhưng các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ bệnh nhân vừa đảm bảo các dịch vụ y tế vừa đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu...", chị Phương chia sẻ.

Khu vực điều trị theo yêu cầu, Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, toàn bộ cửa và phần mái bị cuốn bay, các vật dụng bị hư hại.
Khu vực điều trị theo yêu cầu của khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh bị phá hủy do bão số 3.

Tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, bão đã khiến khu vực điều trị theo yêu cầu của khoa sản và khu ngân hàng sữa mẹ của khoa sơ sinh bị phá hủy, nhiều máy móc, thiết bị y tế bị hư hại... Bác sĩ Bùi Minh Cường, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh chia sẻ: Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đảm bảo việc khám chữa bệnh được thông suốt và an toàn người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu.

khoảng 400 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện sản nhi Quảng Ninh đều được đảm bảo an toàn và các điều kiện để thăm khám.
Khoảng 400 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong khoảng thời gian bão số 3 đổ bộ đều được đảm bảo an toàn và các điều kiện để thăm khám.

Trong mưa bão, các y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện tập trung khẩn trương di dời "cứu" các trang thiết bị y tế, hơn 400 lít sữa mẹ... đồng thời đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho hơn 400 bệnh nhân đang điều trị tại đây hầu hết là phụ nữ, trẻ em. Bệnh viện cũng bố trí cung ứng suất ăn, nhu yếu phẩm đến tận từng khoa phòng cho bệnh nhân...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khắc phục tạm thời các điểm bị ngấm nước để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Trong bão, dù cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất, thiết bị, song các đơn vị y tế toàn tỉnh đã cấp cứu cho hàng trăm lượt bệnh nhân, đảm bảo công tác điều trị nội trú.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ khi bão số 3 đổ bộ, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh tại Hạ Long và các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến. Riêng trong hai ngày 6 và 7/9 (thời điểm bão đổ bộ vào Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để đảm bảo nhu cầu khám bệnh, đơn vị vừa đảm bảo các phương án phòng chống dịch, vừa đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh tại chỗ; thực hiện giảm tải bớt các ca bệnh nhẹ ra viện và ưu tiên các ca bệnh thực sự cần thiết cấp cứu sẽ ở lại. Do ảnh hưởng của bão, nguồn điện và nước tại Bệnh viện đang bị thiếu. Đơn vị đã tìm các phương án để có nguồn nước phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong ảnh hưởng của bão. Nguồn điện, nước sẽ được cơ bản ưu tiên cho các bệnh nhân cấp cứu, thận nhân tạo, mổ…

Đồng thời, tiết kiệm tối đa các hoạt động cần sử dụng điện, nước chưa cần thiết và tận dụng một phần nước mưa để xả vệ sinh tại các buồng bệnh; phân bổ nguồn nhân lực tại các phòng, khoa để đảm bảo không bị ùn tắc bệnh nhân trong điều kiện hiện nay.

Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tận dụng nước mưa để thực hiện công tác vệ sinh sơ bộ.

Còn tại các trung tâm y tế, trạm y tế tuyến huyện, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men phục vụ khám bệnh cũng được tăng cường, không để xảy ra tình trạng gián đoạn. Các y bác sĩ sẵn sàng túc trực 24/24h, thu dung bệnh nhân cấp cứu khám bệnh. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến phức tạp của mưa bão để nắm bắt tình hình và chuẩn bị sẵn sàng trang bị phương tiện cần thiết triển khai cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Đinh Thị Lan Oanh, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Quảng Yên cho biết, với sự chủ động lên các phương án, sẵn sàng nhân lực, vật tư, thuốc men, bố trí thường trực cấp cứu với 5 kíp trực (nhiều hơn 3 kíp so với thông thường). Đơn vị đã kịp thời tiếp nhận cấp cứu trên 250 người dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Đối với một số trường hợp khó tiếp cận cấp cứu do điều kiện thời tiết xấu, đội trực cấp cứu tại Trung tâm đã hướng dẫn người dân sơ cứu tại nhà hoặc Trạm Y tế và khẩn trương đưa bệnh nhân đến Trung tâm tiếp tục khám và điều trị ngay khi điều kiện thời tiết cho phép. Trong đó có một số trường hợp bệnh nhân nặng phải nằm hồi sức cấp cứu hiện đã ổn định sức khỏe. Đến thời điểm này, hoạt động khám chữa bệnh tại đơn vị hiện diễn ra ổn định.

458795974_1125827662556081_2556304941592471022_n.jpg
Trung tâm Y tế TX Đông Triều linh động phương án xử lý thông tin, số liệu khám chữa bệnh trong điều kiện các hệ thống phần mềm bị tê liệt tạm thời do mất điện.

Còn tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều, trở ngại lớn nhất là mất điện cục bộ đã được khắc phục bằng hệ thống máy phát điện tạm thời. Lượng nước lưu trữ đủ cung ứng cho các hoạt động, đặc biệt là cho 8 máy chạy thận nhân tạo duy trì cho khoảng 50 bệnh nhân chạy thận thường xuyên. Tính từ ngày 7/9 đến nay, dơn vị đã tiếp nhận 192 trường hợp người dân bị tai nạn thương tích do ảnh hưởng của bão. Trong đó chỉ tính riêng trong ngày 8/9 là 121 bệnh nhân, chủ yếu là bị thương, xây xát nhẹ; có 34 trường hợp phải nhập viện điều trị...

"Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh khắc phục các điều kiện cơ sở, vật chất do ảnh hưởng mưa bão gây ra; tập trung nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư phục vụ tối đa cho người bệnh. Tất cả người bệnh bị tổn thương trong và sau bão đều được tiếp cận với hệ thống y tế. Ngành Y tế tiếp tục khắc phục khó khăn về điện, nước và cung cấp các suất ăn đảm bảo để người bệnh được phục hồi, ổn định sức khỏe tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn nhân lực trực 24/24h, đảm bảo trang thiết bị đầy đủ phục vụ khám chữa bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh...", Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Bác sĩ, bệnh nhân kể về khốn khó những ngày chạy đua với bão