Các cơ quan chức năng của TP Hạ Long đang tích cực vào cuộc xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích cũng như khai thác, tổ chức tuyến tham quan núi Bài Thơ.
Ngày 7/2, TP Hạ Long tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về phương án khai thác, tổ chức tuyến tham quan núi Bài Thơ.
Từ năm 2017, núi Bài Thơ phải tạm đóng cửa do các công trình trên núi bị xuống cấp gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung và không đủ đảm bảo an toàn cho du khách tham quan… Việc một địa danh nổi tiếng, giàu tiềm năng phải “đóng cửa” và có nguy cơ bị “lãng quên” đã gây lãng phí nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt của TP Hạ Long.
Để núi Bài Thơ sớm đón khách trở lại, UBND TP Hạ Long đã xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích đối với lối vào di tích, nhà ban quản lý di tích, miếu thờ chị Nguyễn Thị Lạt, nhà cơ vụ tổng đài, hang sơ trú ẩn, sơ tán tổ chỉ huy, nhà công vụ, chòi nghỉ chân, lối lên di tích, đỉnh núi Bài Thơ.
Theo phương án UBND TP Hạ Long, nguồn kinh phí để triển khai các hạng mục trên sẽ được trích từ ngân sách nhà nước cùng với kêu gọi nguồn lực xã hội hóa.
Sau khi được trùng tu, tôn tạo, núi Bài Thơ sẽ được giao doanh nghiệp quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích và được khai thác một số dịch vụ trên núi (bán đồ uống, đồ lưu niệm), nghiên cứu việc bán vé tham quan theo quy định.
Đồng thời, UBND TP Hạ Long cũng xây dựng phương án liên quan, tổ chức tham quan các điểm di tích khu vực núi Bài Thơ với các điểm tham quan giàu tiềm năng khác như: Chùa Long Tiên, Khu văn hóa núi Bài Thơ, Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, nhà tù giam chính trị, nhà chờ phà, cụm Ba Đèo, nhà thờ Hòn Gai, Chợ Hạ Long I.
Thống nhất cao với phương án đề xuất của UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long khẳng định: Cụm di tích núi Bài Thơ cần phải được xây dựng để trở thành trung tâm du lịch của vùng II - vùng phía Đông thành phố, phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, trải nghiệm.
Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long yêu cầu UBND thành phố và đơn vị tư vấn cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện phương án khai thác, tu bổ, liên kết giữa các điểm tham quan thật sự phù hợp… Đồng thời, tập trung vào các nội dung quan trọng như việc đảm bảo việc tu bổ, cải tạo vẫn phải giữ vững nguyên trạng của khu di tích; phải xác định rõ những khu vực đóng vai trò là điểm lõi, là khu vực trung tâm gắn với phát triển kinh tế ban đêm; phải tính toán đến quyền lợi của người dân đang sinh sống ở những khu vực lân cận…
Đặc biệt, tất cả các phương án phải đảm bảo khách du lịch và người dân được hưởng thụ, được thưởng ngoạn các giá trị độc đáo và hấp dẫn của TP Hạ Long gắn với phát huy các giá trị về văn hóa, tự nhiên của vùng phía Đông thành phố.