Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tình trạng một số phòng công chứng “núp bóng” các văn phòng tư vấn luật, văn phòng đại diện để hoạt động công chứng ngoài trụ sở được cấp phép.
Thâm nhập những văn phòng công chứng “chui”
Trong vai những người có nhu cầu tư vấn về chuyển nhượng đất để vay vốn ngân hàng, chúng tôi đến một ngân hàng có trụ sở tại tòa nhà T.A nằm trên đường 25/4 (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Sau khi trình bày nguyện vọng cần được vay vốn thế chấp bằng tài sản là nhà đất, chúng tôi được nhân viên của ngân hàng chỉ dẫn lên tầng 7 của tòa nhà để công chứng các loại hồ sơ, giấy tờ.
Trước khi bước vào thang máy để lên tầng, chúng tôi gặp một thanh niên “truy vấn” về mục đích lên tầng 7 làm gì? Chỉ khi chúng tôi trả lời là được nhân viên ngân hàng giới thiệu lên để công chứng giấy tờ làm thủ tục vay ngân hàng thì mới được vào thang máy và được hướng dẫn lên tầng 7, vào khu vực có biển tên Văn phòng Thành An.
Theo quan sát của chúng tôi, Văn phòng Thành An có mô hình hoạt động giống như một văn phòng công chứng nhưng không có biển hiệu công chứng theo quy định. Chúng tôi tiếp xúc với một người tên T., câu hỏi đầu tiên khi tiếp xúc với chúng tôi là “Ai giới thiệu đến đây?”.
Sau khi hóa giải được sự hoài nghi của T., chúng tôi được một nhân viên khác tư vấn các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng đất với cam kết về dịch vụ tiện lợi - chu đáo - nhanh gọn với mức phí 5 triệu đồng nếu đi lấy chữ ký ngoài trụ sở.
Để chứng minh việc hoạt động công chứng diễn ra tại nơi này, chúng tôi đề nghị chứng thực 10 bản sao tài liệu. Sau khoảng 20 phút, nữ nhân viên trả lại tập giấy tờ được đóng dấu mộc đỏ có tên Văn Phòng Công Chứng Quảng Ninh - TP Cẩm Phả (một văn phòng công chứng đăng ký hoạt động tại số nhà 415, đường Trần Phú, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả).
Công việc của chúng tôi đã nhanh chóng hoàn tất với mức phí 60.000 đồng/10 bản photo công chứng được một nữ nhân viên thu tiền và không hề có biên lai thu tiền hay hóa đơn chứng từ liên quan.
Cách đó không xa, trong 1 khu phố trung tâm của TP Hạ Long chúng tôi tìm đến Văn phòng Luật sư Kết Liên (Số 3, phố Giếng Đồn, TP Hạ Long). Văn phòng luật được trưng bảng hiệu màu đỏ dẫn chiếu nhiều nội dung như: Chuyên tư vấn pháp luật, dịch vụ hành chính, các hợp đồng giao dịch BĐS, hợp đồng dân sự, dịch thuật...
Tuy nhiên, trong số các dịch vụ được chào mời trên biển hiệu của văn phòng đó lại có một dịch vụ được giấu tên, đó là “công chứng”.
Không được bề thế như Văn phòng công chứng Quảng Ninh hoạt động “chui” tại toà nhà T.A nhưng hoạt động công chứng “chui”ở đây cũng diễn ra hết sức sôi động. Hàng trăm bản photo được công chứng viên ký thoăn thoắt mà chưa cần “soi’’ lại bản gốc sau đó mới được đóng các loại dấu mộc đỏ.
Điều đáng nói, chiếc dấu đỏ đóng vào tài liệu của chúng tôi trên đất Hạ Long lại mang tên Văn Phòng Công Chứng Mạc Văn Quang - TP Uông Bí (có trụ sở đặt tại số nhà 309, tổ 4, khu Nam Tân, phường Nam Khê, TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Sẽ “mạnh tay” xử lý vi phạm
Theo Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không được lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay cơ sở giao dịch khác ngoài trụ sở chính. Thế nhưng tại TP Hạ Long chúng tôi phát hiện không chỉ có 2 văn phòng công chứng nêu trên hoạt động ngoài trụ sở đăng ký mà còn có thêm một số văn phòng công chứng khác tuy không có trụ sở tại TP Hạ Long nhưng vẫn “núp bóng” các văn phòng tư vấn luật, tư vấn đất đai để hoạt động công chứng trái phép tại đây. Vậy tại sao các văn phòng công chứng “không biển hiệu” này lại hoạt động tấp nập và tồn tại trong thời gian dài được như vậy?
Để làm rõ về hoạt động của những văn phòng công chứng “chui” này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh. Khi nhận được thông tin phóng viên phản ánh về hoạt động của một số văn phòng công chứng ngoài trụ sở, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết: Qua công tác nắm tình hình thì Sở cũng đã biết có tình trạng một số văn phòng công chứng có dấu hiệu mở địa điểm giao dịch ngoài trụ sở được cấp phép, vi phạm Luật Công chứng.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công chứng, Sở Tư pháp đã có văn bản thông báo rõ địa chỉ trụ sở của 29 tổ chức hành nghề công chứng được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 8 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP Hạ Long và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phối hợp chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch thế chấp tài sản theo đúng quy định; đồng thời yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên thực hiện nghiêm các quy định của Luật Công chứng.
Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Ngân hàng Nhà nước, UBND các địa phương phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các biện pháp để tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã có văn bản mời các ngành, địa phương có liên quan để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động của các văn phòng công chứng trên địa bàn. Trong đó tập trung xử lý quyết liệt, triệt để đối với các tổ chức hành nghề công chứng mở điểm giao dịch ngoài trụ sở được cấp phép hoạt động.
Đặc biệt, trọng tâm sẽ tập trung vào những địa điểm có dấu hiệu “núp bóng” các văn phòng giao dịch hoặc tư vấn luật, công chứng, đất đai để hoạt động công chứng trái pháp luật.
Có thể thấy, hoạt động “chui” của một số văn phòng công chứng nêu trên gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hành nghề công chứng được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần sớm xử lý đối với các vi phạm để trả lại môi trường trong sạch cho hoạt động công chứng.