Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp là do thiếu quỹ đất.
Qua rà soát, thống kê số lượng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 2.361 cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh đã di dời được 481/2.361 cơ sở (đạt 20,37%). Mới chỉ có 4 địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều và Ba Chẽ là thực hiện di dời. Trong đó, TP Hạ Long đã di dời 86/320 cơ sở; TP Cẩm Phả đã di dời 379/435 cơ sở; huyện Ba Chẽ đã di dời 14/46 cơ sở; TX Đông Triều đã di dời 2/816 cơ sở.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền, việc di dời các cơ sở còn nhiều hạn chế như: Các địa phương đều gặp khó khăn về quỹ đất để thực hiện việc di dời; các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nằm đan xen trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung vào 12 ngành nghề; các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đa số có quy mô nhỏ theo hình thức hộ gia đình (kết hợp nơi ở và nơi sản xuất) do đó việc di dời vào cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Còn theo ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh thì việc thiếu cụm công nghiệp tại các địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp được quy hoạch, có 5 cụm đã hoàn thành và 5 cụm vẫn đang trong thời gian đầu tư. Trong đó, 5 địa phương chưa có cụm công nghiệp gồm: Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Cô Tô, Móng Cái.
Để di dời các cơ sở sản xuất tiêu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng tiến độ; ưu tiên quỹ đất phục vụ di dời. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, có chế tài xử lý, không để phát sinh mới các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư.