Xã hội

Quảng Ninh: Còn đó nỗi lo ngập lụt

Nguyễn Quý 11/06/2024 09:38

Trận mưa lớn ngày 10/6 khiến nhiều hộ dân TP Uông Bí (Quảng Ninh) bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục tiểu thương chợ Trung tâm ngậm ngùi nhìn hàng hóa trôi theo nước lũ; hơn 1.000 nhà dân bị ngập lụt; tài sản, hoa màu, gia súc tứ tán… Nước lũ đã rút đi, nhưng nước mắt còn lăn dài trên những khuôn mặt khắc khổ.

Trắng tay sau cơn mưa

Sáng 10/6, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (chủ cơ sở kinh doanh bida có địa chỉ tại số 7 Xuân Diệu, Phường Quang Trung - TP Uông Bí) cùng chồng đến dọn dẹp quán sau khi nước lũ đã rút hết. Gặp phóng viên, bất giác chị Trang òa khóc tức tưởi. Chị kể, 1 năm trước hai vợ chồng cầm sổ đỏ vay ngân hàng gần 2 tỷ để đầu tư cơ sở này, hàng tháng vẫn đang phải trả gốc, lãi và đóng tiền thuê nhà. Trận mưa lớn sáng 9/6 khiến nước dâng lên quá nhanh, tràn vào nhà ngập đến 1,5m. Toàn bộ thiết bị điện tử cùng 8 bàn bida bị hư hỏng vì ngâm nước trong 3 giờ.

z5526818808805_3ed11791b0587ef02becb470b5fc577f.jpg
Cảng tiêu điều của chợ Trung tâm Uông Bí sáng 10/6.

“Giờ cơ sở cũng chưa thể khắc phục được ngay, nợ thì chồng nợ, lãi chồng lãi như thế này, em không biết sẽ làm thế nào trong thời gian tới nữa” – chị Trang nghẹn ngào.

Không riêng gì cơ sở của chị Trang, hầu như toàn bộ phường Quang Trung ngập trong biển nước ngày 9/6. Ghi nhận của PV tại hiện trường, có hơn 300 hộ dân thuộc các khu: 1,2,4,5A,5B,7,8,9,10,11, 12 bị ngập lụt, thiệt hại lớn về tài sản.

Khung cảnh tiêu điều nhất sau trận mưa ngày 9/6 là chợ Trung tâm Uông Bí (phường Quang Trung). Hàng chục hộ tiểu thương khu vực hàng tạp hóa, quần áo, rau quả, hàng mã bị thiệt hại nặng nề do hàng hóa bị nước lũ cuốn trôi, hoặc bị hư hỏng. Dù có vị trí khá cao, nhưng có khu vực trong chợ nước ngập cao cao tới hơn 3m.

z5526818408875_22173a7ba98215aac4ba19bf1dc6f695.jpg
Anh Hoàng Ngọc Dũng (tiểu thương chợ Trung tâm) tìm thấy túi quần áo bị thất lạc sau trận lũ.

Đến trưa 10/6, anh Hoàng Ngọc Dũng (tiểu thương chợ Trung tâm) vẫn chưa dọn dẹp xong đống đất bùn trong quầy của mình. Toàn bộ số hàng quần áo (khoảng 300 triệu đồng) của anh bị hư hỏng.

“Sáng qua (9/6 -PV) lúc khoảng 10h, nước bắt đầu dâng cao tràn vào trong chợ, tôi chỉ kịp vơ được một ít hàng chạy ra ngoài, 10 phút sau quay lại thì nước đã dâng ngập hết quầy, lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà đau xót” – anh Dũng kể.

z5526834107740_5f49742abdd1bfa89ce23fd4fc0289d2.jpg
Chị Nguyễn Thị Đảm bên quầy hàng tan hoang.

Nằm sát quầy của anh Dũng là quầy kinh doanh quần áo, tạp hóa của chị Nguyễn Thị Đảm. Số hàng bị hư hỏng, thiệt hại của chị ước tính khoảng 100 triệu đồng. Kể về trận lụt vừa qua, khuôn mặt chị Đảm vẫn còn nguyên vẻ hoảng hốt: “Mọi lần mưa to chúng tôi vẫn ngồi bán hàng, không ai nghĩ nước sẽ lụt lên đến chợ. Nhưng lần này nước dâng quá nhanh, chỉ trong khoảng 15 phút đã ngập hết khu hàng tạp hóa này, đến nỗi tôi còn không còn kịp chạy tháo thân, đành đu lên cột bám chặt vào đó, chờ người của Ban quản lý chợ đến đưa áo phao ứng cứu”.

image3.jpg
Khu vực cây xăng Phúc Xuyên (phường Yên Thanh) nước dâng cao, một chiếc xe của lực lượng CSGT TP Uông Bí bị hư hỏng.

Nhiều hộ kinh doanh khác bị thiệt hại nặng nề, với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, nhiều mặt hàng không thể sửa chữa, khắc phục được như đồ thờ cúng, vàng mã…

Nhiều khu vực trên địa bàn thành phố chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngập lụt thì nay lại bị ngập, dẫn đến tình trạng chủ quan của một số người dân. Đó là khu vực hồ công viên trung tâm thành phố; một số tổ, khu vực phường Thanh Sơn...

Theo tổng hợp của TP Uông Bí, các phường bị thiệt hại nặng nề là Quang Trung, Thanh Sơn, Bắc Sơn, Vàng Danh, Yên Thanh, Phương Đông. Trong đó có 2 phường đã phải di dời một số hộ dân đến nơi an toàn (Khu 4 phường Quang Trung và Tổ 23A, 23B, 24 Khu 5 phường Bắc Sơn).

image7.jpg
Sáng 9/6, nước ngập vào phòng khách một hộ dân TP Uông Bí.

Mưa lũ gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, đồ dùng gia đình như ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, ô tô… bị ngập nước; nhiều diện tích lúa, hoa màu và ao đầm nuôi trồng thủy sản bị ngập úng.

Hệ thống thoát nước có vấn đề?

Nhận định của nhiều người dân TP Uông Bí, chưa bao giờ thành phố chịu cảnh ngập lụt lớn như vậy. Theo thống kê của TP Uông Bí, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 8/6 đến ngày 9/6 trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều điểm ngập lụt, ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường (Quốc lộ 18 có 4 điểm ngập lụt tại các phường Yên Thanh, Nam Khê, Phương Đông); sạt lở một số điểm và ngập lụt nhà dân (toàn thành phố có 1.092 hộ dân bị ngập; 1.800 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; 30,5ha lúa và hoa màu bị ngập; ngập lụt 179,6ha ao đầm thủy sản).

image.jpg
Nước ngập khu vực Hồ Công viên.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Số liệu này vẫn chưa phải chính thức, vẫn còn đang thống kê đánh giá kỹ hơn. Hiện thành phố đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị giúp đỡ nhân dân dọn dẹp để ổn định sinh hoạt, khôi phục hoạt động kinh doanh.

z5525477406064_a24ef8c2180203ff86deaed28c8d317d.jpg
Người dân sống tại khu vực này cho biết, hệ thống ngăn, thoát nước tại đập tràn hồ điều hòa Sông Sinh không thực hiện đủ công năng tiêu thoát nước mỗi khi có nước lũ từ thượng nguồn đổ về.

Một trong những khu vực ngập lụt nặng nề nhất trong trận mưa ngày 9/6 là khu vực dân cư xung quanh hồ điều hòa Sông Sinh, phường Quang Trung. Nhiều người dân sống tại khu vực này cho biết, hệ thống ngăn, thoát nước tại đập tràn không thực hiện đủ công năng tiêu thoát nước mỗi khi có nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Thực tế mỗi khi có mưa lớn, đều có người của Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Uông Bí (đơn vị vận hành hồ điều hòa Sông Sinh) đến mở cửa phai tháo nước trong hồ, nhưng với những trận mưa lớn như ngày 9/6, nước tiêu thoát qua cửa phai không kịp, tràn ra xung quanh hồ vào khu dân cư.

z5526817976124_ba356f8b754018e4569ee62a27b3ca80.jpg
Vườn hoa sau đập tràn cầu Sông Sinh chiếm gần một nửa diện tích lòng sông sau đập tràn.

Ông Trần Văn Việt, Phó giám đốc Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Uông Bí, nhìn nhận: Mặc dù chúng tôi đã cho mở tối đa cửa phai trước khi mưa to, nhưng vẫn không kịp thoát nước trong hồ. Cửa phai này quá nhỏ so với lượng nước lũ đổ về, cộng thêm triều cường dâng.

Một điểm bất cập khác, đó là vườn hoa được xây dựng ngay sau đập tràn cầu Sông Sinh. Theo ông Việt, đây chính là tác nhân lớn gây cản trở việc tiêu thoát nước từ hồ Sông Sinh, bởi việc xây dựng vườn hoa khiến thu hẹp gần một nửa diện tích lòng sông sau đập tràn.

Tại Báo cáo số 11 ngày 9/6 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Uông Bí cũng thừa nhận, việc tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố còn bộc lộ hạn chế, như: Một số hệ thống sông, suối, kênh mương bị đất đá, cây cối chắn cản, thu hẹp dòng chảy; một số cống thoát nước nhỏ, không kịp thoát nước khi mưa lớn; Đường công vụ phục vụ thi công tuyến đường ven sông chưa bổ sung đủ các cống tiêu thoát nước, nên hạn chế việc tiêu nước từ phía Bắc xuống phía Nam của thành phố ra sông Đá Bạc.

Dù trận mưa lũ đã đi qua, nhưng nhận định thời tiết trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, mưa lớn còn có thể kéo dài. Còn đó những nỗi lo treo lơ lửng với người dân Uông Bí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Còn đó nỗi lo ngập lụt