Quy hoạch chung đến năm 2040, thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.
Sáng 11/3, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023.
Theo dự báo đến năm 2040, thành phố Hạ Long có khoảng 800.000 - 830.000 người (trong đó: dân số thường trú 550.000 - 570.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 - 260.000 người).
Thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 Vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc); 1 hành lang ven vịnh Hạ Long và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Theo định hướng, đô thị Hạ Long phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục (các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai), khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao.
Về du lịch, thành phố Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh.... Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.
Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long; tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.
Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không) kết nối trong nước và quốc tế...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết, trước khi được sáp nhập vào thành phố Hạ Long, thành phố Hạ Long được quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019. Còn khu vực huyện Hoành Bồ được quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực phía Nam huyện Hoành Bồ được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 14/5/2019.
Sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long mới đã có thêm định hướng phát triển mới. Tuy nhiên cũng xuất hiện những mâu thuẫn giữa 2 đồ án Quy hoạch chung với thực tế quản lý phát triển đô thị. Do đó việc lập Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 là đặc biệt quan trọng và mang tính cấp thiết.
Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra động lực mới cho việc phát triển nhanh và bền vững thành phố với mục tiêu phát triển đô thị văn minh, xã hội thanh bình, nhân dân giàu có và hạnh phúc, xứng đáng là đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế trên nền tảng phát huy, bảo tồn giá trị Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Từ đó, góp phần với cả tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long có thêm các hình thức công bố, công khai rộng rãi quy hoạch tỉnh và thành phố đến người dân, để người dân hiểu hơn và thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, đề nghị tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thành phố Hạ Long rà soát, ban hành các quy chế, quy định về quản lý quy hoạch cũng rất cần thiết, để việc tổ chức thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố Hạ Long rất cần thiết. Tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long cần sớm rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phân khu và lập đồ án quy hoạch phân khu mới.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị tỉnh Quảng Ninh lưu ý các nội dung trong báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Việc phát triển thành phố Hạ Long có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển chung của cả tỉnh”.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị thành phố Hạ Long cần tiếp tục rà soát hoàn thiện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển; tổ chức thực hiện quy hoạch một cách khoa học, đặc biệt trong quản lý phát triển đô thị; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.
Khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của thành phố, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; nhất là các quy hoạch, dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển, làm động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh...
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Bộ Xây dựng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các lãnh đạo tỉnh, sựphối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, các địa phương trên địa bàn liên kết vùng, đặc biệt là sự quan tâm, đồng hành của người dân và nhà đầu tư. Từ đó để thành phố Hạ Long hoàn thành mục tiêu, định hướng đã đặt ra.
Để thực hiện quy hoạch chung, giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Hạ Long sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao thông đấu nối với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vanh đai ven vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu.
Giai đoạn 2025 - 2030 phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển, hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và du lịch công cộng ven biển.
Cùng đó, giai đoạn 2031 - 2040, mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.