Kể từ ngày 15/3, Quảng Ninh bắt đầu đón những đoàn khách du lịch từ Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau thời gian dài gián đoạn vì dịch Covid-19. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói chung và của thành phố vùng biên Móng Cái nói riêng.
Theo thống kê, tính từ ngày 15/3 đến hết ngày 24/3, tổng số lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 64.728 người. Trong đó, có 33.457 nhập cảnh và 31.271 xuất cảnh.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tuy số lượng khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ chưa nhiều như thời điểm trước dịch, nhưng đang ngày càng tăng. Qua đó góp phần khiến du lịch Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung có sự khởi sắc đáng kể. Đặc biệt, không khí tại thành phố vùng biên cũng nhờ đó mà trở nên sôi động và náo nhiệt hơn. Các điểm dịch vụ, du lịch của Móng Cái “bận rộn” hơn mặc dù không phải trong dịp lễ và chưa vào mùa du lịch cao điểm.
Để làm tốt công tác đón khách Trung Quốc tăng cao trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động xây dựng các phương án đón khách phù hợp; xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, như: Du lịch biên giới, du lịch mua sắm; du lịch biển đảo, hướng tới sản phẩm có thương hiệu, chất lượng... Qua đó, khai thác tối đa lợi thế địa bàn trọng điểm du lịch giáp biên, mở ra cơ hội để Quảng Ninh thúc đẩy khai thác trở lại thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống này.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Móng Cái cho biết: TP Móng Cái đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện và sẵn sàng tâm thế đón khách Trung Quốc.
Ngay từ cuối năm 2022 đến nay, TP Móng Cái thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở lưu trú, điểm mua sắm, nhà hàng, các đơn vị lữ hành,… trên địa bàn nhằm đảm bảo cơ sở vật chất và dịch vụ tốt nhất để phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, Móng Cái chủ động chuẩn bị các nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới thu hút khách, như: Du lịch biên giới gắn với sản phẩm du lịch golf, xe tự lái, ẩm thực Việt - Trung; Sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với du lịch bốn mùa (Lễ hội hoa sim biên giới, phiên chợ Pò Hèn...) và các điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp… Đặc biệt, Thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa, giải thể thao gắn với bảo đảm mục tiêu “Du khách an toàn, hành trình an toàn và điểm đến an toàn” góp phần lan tỏa thương hiệu Móng Cái - Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, con người Móng Cái văn minh, thân thiện, mến khách, cơ sở kinh doanh thân thiện, tiện lợi và tin cậy.
Đồng thời, Thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm du lịch, như: Hạ tầng du lịch đường dạo ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc (giai đoạn II); Cụm biểu tượng du lịch TP Móng Cái tại nút giao đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và tỉnh lộ 335; Xây dựng Cột cờ và chỉnh trang núi Tổ Sơn (phường Hòa Lạc); Hạ tầng quảng trường gắn với biểu tượng Mẹ Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân tại mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ); Xây dựng Cột cờ Sa Vĩ tại mũi Sa Vĩ; Chỉnh trang cảnh quan đô thị 2 bên bờ sông Ka Long (phát triển kinh tế đêm)…
Ngoài ra, Móng Cái cũng chú trọng việc chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, thông qua việc phối hợp tổ chức lớp hướng dẫn viên tại điểm, các lớp đào tạo về nhà hàng, lễ tân, kỹ năng bán hàng… Công tác truyền thông, quảng bá kích cầu du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, thông qua nhiều hình thức, trọng tâm là chuyển đổi số du lịch như: Lắp đặt wifi miễn phí; Quét mã QR Code thông tin tại các điểm du lịch; Thiết lập các trang page truyền thông trên mạng xã hội thường xuyên; Kết nối các đơn vị lữ hành,...
Song song với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, Móng Cái tiếp tục duy trì và thiết lập thêm đường dây nóng từ đầu mối thành phố tới các điểm du lịch, công bố công khai rộng rãi trên mạng xã hội và niêm yết trên phương tiện xe điện phục vụ khách ngay tại cửa khẩu… nhằm tiếp nhận thông tin từ du khách, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho du khách.
Bà Phạm Thị Oanh khẳng định, thành phố sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc kinh doanh và đón khách. Cùng với đó, thành phố chủ trương sử dụng “bàn tay thép” trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, các cơ quan ban ngành của TP Móng Cái sẽ vào cuộc quyết liệt và thực chất để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn và dịch vụ chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh nơi địa đầu Tổ quốc.
Có thể thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không ngừng hoàn thiện, Móng Cái sẽ sớm hiện thực hiện hóa mục tiêu trở thành “thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh và xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.