Ngày 22/8, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị đón tiếp đoàn 32 khách du lịch Ấn Độ và Hồi giáo đến Hạ Long.
Công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn khách Ấn Độ và Hồi giáo được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo không gian sinh hoạt, cung cấp món ăn phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo.
Theo thông tin, đoàn khách Ấn Độ và Hồi giáo sẽ có 8 ngày tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 17/8, trong đó đoàn khách sẽ ở 1 ngày tại Hạ Long.
Chia sẻ với PV Báo Đại đoàn kết, ông Lê Thanh Tam, Giám đốc Khách sạn DeLaSea Hạ Long cho biết: “Chúng tôi đã mời các chuyên gia hiểu về văn hóa Ấn Độ và Hồi giáo để tư vấn, đào tạo nhân viên. Song song với đó, các cơ sở vật chất như phòng nghỉ, phòng ăn riêng hay phòng hành lễ đều được bố trí đúng theo tiêu chuẩn.”
Bên cạnh việc đảm bảo các món ăn theo đúng tiêu chuẩn của Halal, các đơn vị còn kết hợp các sản vật địa phương như gà Tiên Yên, hải sản Hạ Long, rau củ quả địa phương, nhất là sản phẩm Ocop vào trong các món ăn. Đặc biệt, trong mỗi phòng nghỉ đều được bố trí thảm, quần áo hành lễ và đánh dấu hướng hành lễ để thuận tiện cho việc thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Thị trường khách du lịch Ấn Độ và Hồi giáo tuy còn mới mẻ nhưng tiềm năng “khai phá” và phát triển luôn được đánh giá rất cao. Với dân số 1.4 tỷ người, du khách Ấn Độ với 43% là khách trung với khả năng chi trả cao sẽ mở ra nhiều triển vọng trong thu hút thị trường khách tiềm năng này đến với Hạ Long..
Theo các nghiên cứu, khảo sát, lượt tìm kiếm của khách Ấn Độ về thị trường Việt Nam tăng hơn 30 lần so với năm 2022, trong đó Hạ Long là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.
Trao đổi về vấn đề kích thích và thu hút đối tượng khách này, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu về tập quán, tạo thêm cơ sở hạ tầng để có thể phục vụ lượng lớn khách Ấn Độ và du khách theo đạo Hồi. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt đối với các công ty lữ hành, đồng thời liên kết với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài để tiếp cận, thu hút nguồn khách từ thị trường Ấn Độ”.