Trở lại Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) vào những ngày cuối năm 2022, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những đổi thay ở huyện miền núi này. Phong trào ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã len lỏi tới từng thôn, xã…
Sắc diện mới của Đầm Hà
Điều đầu tiên khiến chúng tôi ngạc nhiên, đó là hầu hết các con đường bê tông liên xã trước kia, nay đã được thảm nhựa êm ru, sơn vạch kẻ làn như đường thành phố.
Anh Dũng, cán bộ phòng NN&PTNN huyện Đầm Hà – người dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình, nói: “Huyện Đầm Hà những năm đầu tái lập, 80% diện tích tự nhiên là đồi núi, diện tích đất canh tác bị chia cắt phân tán, manh mún theo địa hình. Hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trạm xá đều chưa đảm bảo... Khi đó, nếu muốn xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm... cần phải huy động được nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, sản xuất, kinh doanh chưa phát triển. Đến nay, những người đi xa nhiều năm trở lại Đầm Hà, đều phải ngỡ ngàng, vui mừng trước sự đổi thay vượt bậc của vùng đất này.”
Chúng tôi tới thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, thăm trại cá giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt.
Năm 2010, HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt được thành lập. Lúc đó, quy mô sản xuất của HTX không lớn, chỉ khoảng 3ha, nhưng đây là đơn vị tiên phong trong tỉnh Quảng Ninh về lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là giống cá biển.
Năm 2012, chỉ 2 năm sau khi thành lập, HTX đã có hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện với các bể ươm, ao chứa, bể xử lý nước thải, hệ thống lò nâng nhiệt, bể cho cá đẻ… Năng lực sản xuất của HTX mỗi năm đạt 5 triệu con giống cá biển, 10 triệu con giống hàu, 50 triệu con giống ngao, 5 triệu con giống tu hài…
Anh Ngô Vĩnh Hạnh, Giám đốc HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt, là người đã dành hơn 10 năm tâm huyết với trại giống này, từ ngày đầu mới đặt chân đến làng ven biển Đầm Buôn.
Anh cởi mở: “Những năm đầu thành lập với muôn vàn khó khăn, nhưng đến năm 2013, HTX đã được UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn làm đối tác thực hiện dự án ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất với tổng giá trị dự án 7 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, phần còn lại do HTX đối ứng. Dự án này sau đó đã hoàn thành xuất sắc”.
Tới thời điểm hiện tại, trại giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt cung cấp khoảng 3-5 triệu cá giống các loại/năm, doanh thu 8-10 tỷ/năm. Do chất lượng con giống tốt, hiện thị trường tiêu thụ của HTX không chỉ trong tỉnh mà còn xuất sang các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nha Trang, Vũng Tàu và Hậu Giang.
Một điển hình khác trong sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại huyện Đầm Hà, đó là mô hình dưa lưới rộng 5 ha ở thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân của anh Nguyễn Hữu Nhượng. Trang trại của anh Nhượng đang là điểm đến học tập của nhiều nông dân địa phương và cả nông dân ngoài tỉnh.
Từ năm 2018, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà do anh Nhượng thành lập đã triển khai dự án sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Công ty thuê 5ha đất của người dân thôn Tân Thanh, đầu tư gần 20 tỷ đồng cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích nhà lưới, lắp đặt mới 4 nhà màng diện tích 16.510m2 để áp dụng công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất…
Đến nay, công ty đã xây dựng 2 nhà màng trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ Israel, sản lượng đạt trên 20 tấn dưa chuột, 70 tấn dưa lưới. Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư hơn 1,2ha nhà màng, trong đó ưu tiên 2.000m2 trồng rau thủy canh, đồng thời định hướng mở rộng diện tích trồng rau ngoài trời với nhiều loại rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP.
Không chỉ có rau, quả sạch, Đầm Hà còn ghi dấu trên bản đồ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với HTX sản xuất giống giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Huyền Tuyền (xã Quảng Tân) cho biết, HTX của anh đang áp dụng các công nghệ ươm nuôi gà giống và gà thương phẩm trong chuồng lạnh.
Thức ăn cho gà được bổ sung một số loại thảo dược và chất hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất cung cấp ra thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội...
Lựa chọn “con đường màu xanh”
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, hào hứng: Tại cuộc họp ngày 2/12 để cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, Đầm Hà phải xác định là phát triển KT-XH nhanh, bền vững theo quan điểm thiên nhiên, con người, văn hóa cộng với phát huy hạ tầng mới để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, hình thành trung tâm chế biến nông, lâm, thủy hải sản phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bằng quyết tâm đổi mới, giải pháp xuyên suốt, trọng tâm được Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo là thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là nông, lâm, thủy sản. Huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm khoa học nông, lâm, ngư nghiệp, cơ quan khuyến nông các cấp... để nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng một số quy trình, tiến bộ KHKT vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Huyện ưu tiên đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mang lại hiệu quả, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Đến nay, Đầm Hà đã xây dựng được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản của Tập đoàn Việt - Úc, quy mô 170ha. Đây sẽ là động lực để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, công nghiệp ứng dụng công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm như con giống, công nghệ nuôi thương phẩm, công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển đối tượng tôm nước lợ và các đối tượng thủy sản khác.
Cùng với Tập đoàn Việt - Úc, Công ty CP Thực phẩm BIM đang triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao, quy mô 128ha tại xã Đại Bình (ương dưỡng trên 250 triệu con tôm giống/năm); HTX Thủy sản Bắc Việt (xã Đầm Hà) mở rộng quy mô sản xuất 5 - 7 triệu cá giống/năm cung cấp cho thị trường.
Huyện hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi; 1 dự án khu sản xuất rau an toàn, rau cao cấp theo hướng ứng dụng công nghệ cao...
Những kết quả đạt được trong những năm qua sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Đầm Hà phát triển theo định hướng "xanh" đã lựa chọn.